Liên minh châu Âu: Nỗ lực hơn nữa để cải cách các hoạt động mua sắm công

(BKTO) - Theo một báo cáo của Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA), các biện pháp nhằm cải cách các hoạt động mua sắm công của Liên minh châu Âu (EU) chưa mang lại hiệu quả nào đáng kể.

ECA chỉ ra rằng, sức hấp dẫn của các hợp đồng mua sắm công ở EU đối với các doanh nghiệp, nhà thầu đã giảm đáng kể, kết quả là sự cạnh tranh trong các cuộc đấu thầu để đạt được các hợp đồng này ngày càng bị thu hẹp. Từ năm 2011 đến 2021, số lượng các công ty tham gia đấu thầu để cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các cơ quan nhà nước đã giảm từ mức trung bình 5,7 nhà thầu xuống còn 3,2 tại mỗi cuộc đấu thầu.

untitled.png
Các quốc gia EU cần nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách công. Ảnh: ST

Ngoài ra, phần lớn các hợp đồng đều được trao cho các đơn vị chào giá thầu thấp nhất, điều này cho thấy thực tế rằng giá cả là yếu tố quan trọng nhất khi trao hợp đồng, các tiêu chí về môi trường, xã hội, đổi mới… chưa được chú trọng. Báo cáo của ECA trích dẫn, trong năm 2021, tám quốc gia EU đã trao hợp đồng cho những đơn vị chào giá thầu thấp nhất trong hơn 80% các cuộc đấu thầu.

Các kiểm toán viên cho biết, trong năm 2014, Ủy ban châu Âu đã cải cách các chỉ thị mua sắm của EU để làm cho giá thầu hấp dẫn hơn, từ đó nâng cao tính cạnh tranh, tuy nhiên, kế hoạch cải cách này đã không đạt được mục đích.

Bà Helga Berger, thành viên của ECA phụ trách cuộc kiểm toán cho biết: “Trong 10 năm qua, EU và các quốc gia thành viên đã không thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường tính cạnh tranh cho các hợp đồng công. Đó là điều rất đáng tiếc trong suốt một thập kỷ qua”.

Trên thực tế, qua hơn 1 thập kỷ, các thủ tục đấu thầu, số lượng phương thức chỉ định thầu, phương thức đấu thầu đã tăng lên rất nhiều nhưng chưa góp phần nâng cao tính minh bạch. Cuộc kiểm toán cho thấy sự suy giảm tính cạnh tranh trong thập kỷ qua một phần là do gánh nặng hành chính của các thủ tục này và các hồ sơ dự thầu phải tuân thủ nhiều quy định, tiêu chí khắt khe hơn.

ECA kiến nghị, Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên cần có biện pháp nới lỏng các quy tắc và giải quyết những thách thức pháp lý, cần chú ý nhiều hơn đến việc đảm bảo hiệu quả chi tiêu công. Ủy ban cần đưa ra một kế hoạch hành động để vượt qua các rào cản lớn đối với tính cạnh tranh và làm cho các hợp đồng công trở nên hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp./.

(Theo ECA)

Theo: ECA
Copy Link
Cùng chuyên mục
Liên minh châu Âu: Nỗ lực hơn nữa để cải cách các hoạt động mua sắm công