Linh hoạt chính sách tài chính “hậu Covid-19”

(BKTO) - Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của thế giới năm 2020 giảm 4,4%, trong khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tỷ lệ tăng trưởng GDP dương 1,6%. Song với việc giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP từ 7,02% xuống khoảng 1,6% sẽ làm giảm thu NSNN so với năm trước khoảng 68.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với việc triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí do dịch Covid-19 và ảnh hưởng của dự toán lập cao, Bộ Tài chính dự kiến năm 2020, NSNN sẽ hụt thu khoảng 189.200 tỷ đồng, giảm 12,5% so với dự toán và 14,7% so với thực hiện năm 2019. Tình trạng nợ thuế cũng diễn ra rất phổ biến.



Đại dịch Covid-19 có tác động đa chiều tới thu chi NSNN. Một mặt, dịch bệnh Covid-19 đã góp phần làm giảm chi tiêu NSNN đối với các hoạt động đối ngoại, chi đoàn ra, chi phí hội, họp… Mặt khác, đại dịch Covid-19 cũng làm tăng lên các chi phí phòng, chống dịch bệnh, triển khai các gói hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho người dân khắc phục hậu quả của dịch bệnh, ổn định kinh tế - xã hội, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch trên diện rộng…

Tổng hợp số liệu từ Bộ Tài chính, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, thường chiếm tỷ trọng hơn 70% đến hơn 80% trong tổng thu NSNN. Tổng thu thuế/GDP giảm dần từ mức 24% (2006-2008) xuống mức 18% (2014-2019). Tốc độ tăng của tổng số thu thuế cũng đang có xu hướng giảm và ổn định ở mức bình quân 7,36%/năm trong giai đoạn 2012-2019. Bình quân giai đoạn 2006-2019, thu ngân sách ngoài thuế chiếm tỷ trọng 5,3% GDP. Phí, lệ phí và các nguồn thu thường xuyên khác không phải thuế đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nguồn thu ngoài thuế. Tỷ trọng thu từ phí và lệ phí đang có xu hướng giảm dần theo thời gian.

Giai đoạn 2015-2019, tỷ lệ chi ngân sách/GDP của Việt Nam giảm liên tục, từ 30% GDP năm 2015 xuống chỉ còn 25,9% GDP năm 2018. Số liệu ước tính năm 2019 cho thấy, chi ngân sách so với GDP đã tăng trở lại, ước đạt 28,9% GDP. Chi cho giáo dục đang tăng nhanh về số chi và ổn định về tỷ trọng. Từ năm 2016-2019, chi cho giáo dục chiếm khoảng 22% tổng thu thuế, khoảng 23,2% chi thường xuyên của NSNN, khoảng 16% tổng thu NSNN và khoảng 4% GDP. Việt Nam có nhiều chính sách chi tiêu để nhóm người yếu thế tiếp cận với giáo dục: miễn giảm học phí, hỗ trợ lương thực.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đưa ra các khuyến nghị chính sách như: Việt Nam cần có phương án cắt giảm chi tiêu hiệu quả và tìm nguồn thu bền vững hơn; đẩy nhanh tiến độ dự án thuế tài sản, đưa vào chương trình làm Luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, cần có những thay đổi trong tỷ lệ, số lượng thu nhập hoặc đối tượng phải nộp thuế liên quan đến từng khung để tính thuế suất thuế thu nhập cá nhân, thay vì chỉ đề cập đến thu nhập tối thiểu không phải nộp thuế hay nâng mức giảm trừ gia cảnh; rà soát lại chính sách ưu đãi thuế đối với DN, đặc biệt là DN FDI…

Đặc biệt, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc cơ cấu lại các khoản chi ngân sách để giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách. Chi ngân sách cho y tế cần được tăng thêm, nhưng cần chú ý phối hợp với chính sách bảo hiểm y tế và nâng cao tính hiệu quả của sự phối hợp này. Các số liệu về chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực y tế, giáo dục cần được công khai trong các báo cáo ngân sách. Tăng cường công khai, minh bạch số liệu về chi cho nông nghiệp (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) trong các báo cáo ngân sách. Chính phủ cũng cần công khai các khoản thu của các quỹ ngoài ngân sách; tiếp tục cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu và chi ngân sách ở mọi cấp chính quyền.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thuế đối với thu thuế, phí, lệ phí; cân nhắc thận trọng trong việc tăng thu từ các nguồn bán tài sản, quyền tài sản với việc chấp nhận tăng bội chi NSNN và tăng nợ công trong ngắn hạn. Trước mắt, trong năm 2020, Chính phủ nên chọn lựa giải pháp tăng trần nợ công từ 4,99% GDP như hiện nay lên tối đa 5,59% GDP để giảm áp lực thu được tiền bán vốn nhà nước tại DN 38.500 tỷ đồng. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương trong xây dựng dự toán và giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng dự toán để tiết kiệm nguồn lực NSNN.

Tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên theo lộ trình và giải pháp đã đề ra hỗ trợ cho người dân và DN gián tiếp thông qua việc trợ giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như: giá điện, giá xăng dầu… Tăng các khoản chi hỗ trợ để nâng cao tiềm lực nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Quản lý chặt chẽ các nội dung chi hỗ trợ, chi an sinh xã hội đã ban hành, đảm bảo các nội dung chi đúng đối tượng, đúng mục tiêu đã đặt ra…

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Chính phủ cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Tổng số vốn đăng ký giai đoạn 2011-2020 đạt trên 278 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 152,3 tỷ USD, tăng gần 6,9%/năm, chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
  • Thông điệp từ tín hiệu thị trường bất động sản ấm dần
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo tổng hợp báo cáo từ 56/63 địa phương mới đây của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) - Bộ Xây dựng, lượng sản phẩm BĐS giao dịch thành công trong quý III/2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 110 - 125% so với quý II/2020. Đặc biệt, giá trị hàng tồn kho BĐS đang giảm dần (theo đó, quý I, II và III tại TP. Hà Nội, lượng hàng BĐS tồn kho giảm lần lượt từ 84,5%, xuống 79,4% và 64,9%; tại TP. HCM, số liệu tương ứng là 82,5%, xuống 27,2% và 24,9%).
  • Tăng tỷ lệ nội địa hóa công nghiệp ô tô
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nội địa hóa của công nghiệp ô tô tại Việt Nam mới đạt từ 7 - 10% và giá thành xe lắp ráp sản xuất trong nước cao hơn từ 10 - 20% so với Thái Lan hay Indonesia. Suốt 3 năm qua, các DN đã đề xuất chính sách đặc thù để phát triển như miễn thuế nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô trong nước, giúp giảm chi phí và cạnh tranh với linh kiện nhập khẩu từ ASEAN hưởng thuế 0%, đồng thời có chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện sản xuất trong nước để khuyến khích các DN ô tô tăng nội địa hóa.
  • Lợi ích từ cải cách hành chính và Chính phủ điện tử
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Tại cuộc họp Quốc hội khóa XIV chiều 06/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã cắt giảm và đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; các Bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền… Nhờ đó, giúp tiết kiệm tổng chi phí xã hội được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB).
  • Nguyên nhân không đạt mục tiêu cổ phần hóa  doanh nghiệp nhà nước
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, cả nước mới cổ phần hóa (CPH) được 175 DN với quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 207.145 tỷ đồng (quy mô vốn nhà nước xác định lại của năm 2016 là 27,328 triệu tỷ đồng, năm 2017 là 161,947 triệu tỷ đồng, năm 2018 là 15,543 triệu tỷ đồng), bằng 109% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các DN CPH cả giai đoạn 2011-2015.
Linh hoạt chính sách tài chính “hậu Covid-19”