Linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng

(BKTO) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần tăng cường vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; tăng cường đôn đốc, kịp thời nộp các khoản thu vào ngân sách nhà nước (NSNN) mà cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kết luận, kiến nghị.

105.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả

Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức đã thể hiện từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Trong đó, tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn (để đạt mục tiêu 6,5% thì 3 quý cuối năm, bình quân mỗi quý GDP tăng khoảng 7,5%) - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định.

Cũng theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, thu NSNN 4 tháng ước giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước (tổng thu NSNN 4 tháng đầu năm 2023 là 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán, giảm 6,9% so với cùng kỳ 2022). Nhiều địa phương lập dự toán thấp nhưng lại giao cao hơn so với dự toán Trung ương giao (43/63 địa phương). Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu lớn (6,62 tỷ USD); lạm phát cơ bản tăng 4,9%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng bình quân, biểu hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, tác động của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa giảm đáng kể hiệu lực.

Đáng chú ý, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Đó là, tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu, vẫn còn 92/111 quy hoạch. Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và phương án xử lý các TCTD yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm.

Tỷ lệ giải ngân 4 tháng mới đạt 14,66% kế hoạch, tạo áp lực lớn lên giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023.

Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao (khoảng 9,3%/năm) và tín dụng tăng trưởng đến cuối tháng 4 tăng thấp 2,75% so với đầu năm, cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong khi đó, nợ xấu có xu hướng tăng; kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gặp khó khăn.

“Trong quý I, tổng giá trị huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và TPDN lần lượt đạt 1,7 nghìn tỷ đồng và 28,96 nghìn tỷ đồng, giảm 92% và 87,9% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ TPDN năm 2023 lớn, nhất là quý III dự kiến có khoảng 104 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với thị trường trong thời gian tới” - cơ quan thẩm tra lưu ý.

Việc tăng giá điện gần đây cũng gây khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp trong khi cơ cấu giá mua - bán điện bất hợp lý là vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết - ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Tăng cường vai trò của KTNN trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

Từ những bất cập được chỉ ra, Ủy ban Kinh tế Đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để sớm có giải pháp hữu hiệu khắc phục.

10d.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH

Trong đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời; chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác với liều lượng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng nhưng cần tính toán đến áp lực lạm phát đang gia tăng.

Cùng với đó, chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh việc xây dựng tiêu chí và phương pháp xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch; triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương phân bổ giao vốn theo đúng kế hoạch, hạn chế tối đa chuyển nguồn qua các năm.

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra kiến nghị cần tăng cường vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; có giải pháp khắc phục tình trạng xây dựng dự toán thu ngân sách địa phương trong những năm tới sát với tình hình thực tế; tăng cường đôn đốc, kịp thời nộp các khoản thu vào NSNN mà cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kết luận, kiến nghị.

Cùng với đó là tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, các khoản thu từ thuế, phí, chống thất thu, ẩn, lậu, trốn thuế để bảo đảm cân đối ngân sách.

Cùng chuyên mục
Linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng