.jpg)
Ông có thể cho biết một số kết quả chính từ cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất của DNNN năm 2022?
Thứ nhất, do yếu tố lịch sử, nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã và đang quản lý, sử dụng đất hàng chục năm nay nhưng không có đầy đủ hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc đất. Tình trạng đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, đất được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng, đất hết hạn nhiều năm nhưng không làm thủ tục ký hợp đồng thuê đất, hồ sơ đất… còn diễn ra phổ biến, có tổng công ty nhà nước có tới 87,7% diện tích đất đang sử dụng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất. Một số DN nhận chuyển nhượng đất từ cá nhân, DN khác không đúng quy định, không phù hợp với quy hoạch, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất trồng lúa khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; tham gia hợp tác kinh doanh bằng quyền sử dụng đất trả tiền hằng năm của các DN khác không đúng pháp luật về đất đai.
Thứ hai, tình trạng đất bị lấn chiếm, tranh chấp, để hoang hóa, chậm đưa đất vào khai thác sử dụng và thực hiện dự án, gây lãng phí nguồn lực đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích theo hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn diễn ra phức tạp, nhất là tại các DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Một số DN sử dụng đất ở, đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm, đất làm muối vào mục đích kinh doanh, không đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, nhiều DN có các diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng hoặc thuộc diện phải di dời nhưng không trả lại đất cho Nhà nước mà tiếp tục thực hiện cho thuê lại đất, liên doanh, hợp tác đầu tư không đúng mục đích sử dụng đất. Một số DN lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chuyển nhượng đất thuê hằng năm của Nhà nước dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước, sau đó thực hiện thoái vốn.
Thứ tư, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với ngân sách nhà nước (NSNN) tại một số DN cũng có nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc do chưa được cơ quan thuế quản lý thu, xác định đơn giá cho thuê đất; nhiều diện tích hết thời hạn ổn định đơn giá thuê đất 5 năm nhưng chưa được các cơ quan chức năng của địa phương thông báo đơn giá đất hiện hành để kê khai, xác định đầy đủ số tiền thuê đất, thuế đất phi nông nghiệp; có DN được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo dự án đầu tư nhưng lại cho thuê lại đất, chuyển nhượng tài sản trên đất dẫn đến sử dụng đất không đúng mục đích theo giấy chứng nhận đầu tư và thất thoát NSNN.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được trình Quốc hội, chúng tôi hy vọng, sau khi được thông qua, các văn bản hướng dẫn khẩn trương được ban hành để Luật đi vào cuộc sống, giúp khắc phục được các lỗ hổng, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là đối với lĩnh vực đất đai do DNNN quản lý, sử dụng.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Giang Sơn
Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến việc quản lý sử dụng đất của DNNN còn nhiều bất cập, thiếu sót và hệ lụy của những vấn đề đó là gì, thưa ông?
Có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến việc quản lý sử dụng đất của các DNNN có nhiều bất cập, thiếu sót.
Trước hết, do yếu tố lịch sử, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN được giao quản lý và sử dụng số lượng diện tích đất rất lớn, trải rộng trên phạm vi cả nước nên công tác quản lý, theo dõi, thống kê gặp nhiều khó khăn, trong đó nhiều diện tích đất đã sử dụng hàng chục năm nay nhưng không có đầy đủ hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc đất; tên gọi, tư cách pháp nhân của nhiều DN bị thay đổi bởi quá trình sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa DN.
Bên cạnh đó, nhiều DN chưa quan tâm đến việc thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai, chưa lập hồ sơ sắp xếp cơ sở nhà đất để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lãnh đạo một số DN đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật hoặc cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi, tham nhũng.
Đến nay, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất của nhiều địa phương còn chậm; chưa kiên quyết trong thu hồi, xử lý đất đai của các DN sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.
Một số quy định còn bất cập, có kẽ hở như: Quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất do DN di dời, sắp xếp lại còn chưa chặt chẽ; quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể; chưa có quy định, hướng dẫn xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước khi xác định giá trị DN cổ phần hóa...
Hệ lụy kéo theo là các DNNN không tận dụng, phát huy hết lợi thế nguồn lực đất đai được giao vào hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ phát triển kinh tế; nhiều trường hợp gây lãng phí, thất thoát tài chính công, tài sản công, thất thu NSNN lớn; nhiều DN đã cổ phần hóa xong nhưng chưa thể quyết toán cổ phần hóa mà nguyên nhân chính là do chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, chậm được phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa...
KTNN có kiến nghị giải pháp gì trong ngắn hạn và dài hạn để khắc phục bất cập trong quản lý sử dụng đất đai, thưa ông?
Từ những phát hiện kiểm toán thời gian qua, chúng tôi cho rằng cần thực hiện một số giải pháp khắc phục.
Một là, các DN cần khẩn trương thực hiện hồ sơ pháp lý trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định.
Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh việc thực hiện phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, phê duyệt phương án sử dụng đất để cổ phần hóa của DN, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên trong quản lý đất đai; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, gắn trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, công chức với quy trình thực hiện các thủ tục về đất đai; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc sử dụng đất, kiên quyết xử lý, thu hồi đất đai đối với các DN sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai...
Ba là, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, chúng tôi hy vọng, các văn bản hướng dẫn khẩn trương được ban hành để Luật đi vào cuộc sống, giúp khắc phục được các lỗ hổng, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là đối với lĩnh vực đất đai do DNNN quản lý, sử dụng.
Xin trân trọng cảm ơn ông./.