Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

(BKTO) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), danh mục chỉ tiêu được đề xuất đưa vào Dự thảo Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam tới năm 2025 và 2030 gồm 122 chỉ tiêu được phân bổ trong 76/115 mục tiêu cụ thể thuộc 17 mục tiêu chung về phát triển bền vững.

tc.jpg
Việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính

Điểm qua quá trình ban hành các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đã đặt ra trước đây, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, trong đó xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể và phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Kế hoạch hành động.

Tiếp đó, ngày 04/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến 2030, trong đó đưa ra 119 chỉ tiêu nhằm giám sát tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chia theo 3 mốc cần đạt đến năm 2020, 2025 và 2030.

Như vậy, so với Quyết định 681/QĐ-TTg, đề xuất của Bộ KHĐT - cơ quan được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và thay thế Quyết định 681/QĐ-TTg - tăng thêm 3 chỉ tiêu, trong đó có 69 chỉ tiêu giữ như tên gọi cũ, 42 chỉ tiêu điều chỉnh tên gọi, bỏ 10 chỉ tiêu và bổ sung mới 11 chỉ tiêu.

Đề cập đến những lý do cần thiết phải rà soát, cập nhật lại lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2025 và năm 2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch Covid-19 xảy ra trong 2 năm 2020-2021 đã có những tác động tiêu cực không nhỏ và lâu dài tới tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, dẫn đến chúng ta chưa đạt được nhiều chỉ tiêu đặt ra tới năm 2020.

Mặc dù tình hình trong nước đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng bối cảnh quốc tế và trong nước còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, dẫn đến dự báo tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sẽ còn tiếp tục chịu ảnh hưởng trong những năm tới - các chuyên gia nghiên cứu nhận định.

Bên cạnh đó, các chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết NQ16/2021/QH15 cập nhật nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2021-2030. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành nhiều Chiến lược, Kế hoạch hành động, Chương trình thuộc các lĩnh vực, ngành; trong đó đã điều chỉnh và cập nhật nhiều mục tiêu liên quan tới phát triển bền vững cần đạt tới năm 2025 và 2030. Điều này đòi hỏi các chỉ tiêu và lộ trình tương ứng về mục tiêu phát triển bền vững cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Hơn nữa, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo, các tiến bộ của khoa học và công nghệ trong giai đoạn hiện nay với nhiều thay đổi đã có những tác động không nhỏ tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Lý do đáng lưu ý nữa là hiện tại, một số chỉ tiêu đưa vào Quyết định 681/QĐ-TTg nhưng không có thông tin và số liệu để theo dõi, đánh giá, khiến các Bộ, ngành gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thu thập thông tin, xây dựng Báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu theo lộ trình hàng năm để gửi Bộ KHĐT tổng hợp trình Chính phủ.

Do đó, cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất, hài hòa giữa các chỉ tiêu trong Quyết định 681/QĐ-TTg và các chỉ tiêu thống kê quốc gia theo Luật Thống kê, các chỉ tiêu phát triển bền vững ban hành tại Thông tư 03 ngày 19/01/2019 của Bộ trưởng KHĐT trong mối tương quan về khả năng so sánh với các chỉ tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Theo chia sẻ của cơ quan soạn thảo, trải qua 2 bước rà soát và đề xuất danh mục các chỉ tiêu; đề xuất Lộ trình cần đạt được của các chỉ tiêu đến năm 2025 và 2030, Dự thảo Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 đã được hoàn thiện và đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Theo Dự thảo Lộ trình, trong số 11 chỉ tiêu mới được bổ sung vào các mục tiêu có: Mục tiêu 2 - Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững (bổ sung 1 chỉ tiêu); Mục tiêu 4 - Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người (bổ sung 1 chỉ tiêu).

Đồng thời, Mục tiêu 6 - Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người bổ sung mới 2 chỉ tiêu; Mục tiêu 8 - Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người bổ sung 3 chỉ tiêu mới; Mục tiêu 9 - Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới bổ sung 1 chỉ tiêu.

Cùng với đó, Mục tiêu 11 - Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng bổ sung 1 chỉ tiêu; Mục tiêu 13 - Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai bổ sung mới 2 chỉ tiêu.

Cùng chuyên mục
Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19