Lồng ghép nguồn vốn để tránh chồng chéo, phát huy hiệu quả đầu tư

(BKTO) - Do nguồn vốn ngân sách dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) còn gặp nhiều khó khăn nên việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết được đặt ra hiện nay.

dsc_5295.jpg
KTNN đang kiểm toán việc thực hiện các chương trình MTQG nhằm phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội. Ảnh: N.Lộc

Khó khăn trong việc lồng ghép nguồn vốn

Qua 2 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ; tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt khá; tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2022 tăng 9,16% so với năm 2021.

Một trong những giải pháp góp phần mang lại kết quả cao trong thực hiện các chương trình MTQG của tỉnh, đó là tỉnh đã lồng ghép các nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG theo tinh thần Nghị quyết số 35/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tỉnh Gia Lai là một trong 34 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn thực hiện chương trình MTQG.

Trước đó, nhằm triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các chương trình MTQG, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, trong đó quy định chi tiết về nguyên tắc lồng ghép vốn các chương trình MTQG.

Việc lồng ghép vốn còn được thực hiện với các chương trình, dự án khác để huy động tối đa nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc từng chương trình MTQG.

Điều này nhằm đảm bảo “sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp; tránh thất thoát, lãng phí" - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan tổng hợp nguồn vốn dành cho chương trình MTQG cho biết.

Năm 2023 là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát tối cao cả 03 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 về xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, trọng tâm giám sát là việc ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách, qua đó phát hiện sớm, toàn diện, cụ thể những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình triển khai các chương trình để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Mục tiêu là vậy, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, việc lồng ghép nguồn tại nhiều địa phương hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng “công tác lồng ghép nhiệm vụ và nguồn lực thực hiện 3 chương trình MTQG còn nhiều điểm nghẽn”.

Đây cũng là thực tế được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra qua giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình MTQG tại các Bộ, ngành, địa phương.

Theo đó, hiện nay, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành hoặc ban hành chưa đủ cơ chế lồng ghép vốn theo quy định. Điều này cho thấy đang có sự lúng túng trong ban hành cơ chế hỗ trợ về lồng ghép vốn.

Phản hồi thông tin của Đoàn giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình MTQG, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc lồng ghép vốn hiện gặp nhiều khó khăn.

Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ nguyên tắc không được trùng lắp về đối tượng, mục tiêu giữa 3 chương trình; quy định cũng không cho phép dịch chuyển nguồn vốn từ chương trình MTQG này sang chương trình khác… bởi điều này sẽ tác động đến dự toán và kế hoạch vốn trung hạn đã giao cho từng địa phương.

Đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện lồng ghép nguồn vốn chương trình MTQG, các ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm rà soát, đề ra giải pháp đối với vấn đề này, đặc biệt là quy định về lồng ghép vốn tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Qua thực tiễn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ chủ quản 03 chương trình MTQG hướng dẫn rõ việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG trên cơ sở quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP để tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG và với các chương trình, dự án khác trên địa bàn.

dsc_4939.jpg
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình MTQG sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Ảnh: N.Lộc

Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất, các địa phương cần chủ động, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để triển khai hiệu quả chương trình MTQG. Đồng thời, Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể cho địa phương trong triển khai thực hiện lồng ghép vốn…

Nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ, khi lần đầu tiên ban hành Nghị định về cơ chế lồng ghép vốn áp dụng cho cả 3 chương trình MTQG, song Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng, việc lồng ghép “phải đảm bảo không làm thay đổi các mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình để lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực bảo đảm hiệu quả cao nhất”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho rằng, để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá kịp thời tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG tại địa phương.

Trong đó, cần “khẩn trương chấn chỉnh rút kinh nghiệm, tiếp thu, xử lý các ý kiến, kết luận của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về thực hiện 3 MTQG đối với công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” - ông Đoan đề nghị.

Hiện, KTNN đang thực hiện kiểm toán các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội.

Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành V - đơn vị được giao kiểm toán chương trình, một số mục tiêu được đặt ra qua kiểm toán là đánh giá tính tuân thủ pháp luật; đánh giá công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các đơn vị tham gia quản lý chương trình; tình hình thực hiện nội dung, mục tiêu, tiến độ của chương trình.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN sẽ kiến nghị với đơn vị được kiểm toán khắc phục những sai phạm, yếu kém trong hoạt động quản lý; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách có liên quan.

Tăng cường lồng ghép vốn cũng là một trong những nội dung được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện, theo Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 chương trình MTQG.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí…

Mục tiêu là thông qua chương trình sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, các hoàn cảnh khó khăn. 

Cùng chuyên mục
Lồng ghép nguồn vốn để tránh chồng chéo, phát huy hiệu quả đầu tư