Năm 2023, Lâm Đồng phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt 14.500 tỷ đồng

(BKTO) - Năm 2022, tuy chịu tác động bởi giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân nhưng những kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh Lâm Đồng vẫn đạt và vượt tiến độ đề ra.

lam-dong-thu-nsnn.jpg
Ngành du lịch đã mang lại nguồn thu bền vững cho tỉnh Lâm Đồng. Ảnh sưu tầm

Ngành thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết, tổng thu NSNN năm 2022 của tỉnh trên 13.230 tỷ, đạt 136% dự toán trung ương, đạt 120% dự toán địa phương và bằng 120% so cùng kỳ.

Thu NSNN tuy đạt và vượt tiến độ đề ra nhưng vẫn còn tình trạng thất thu, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, khoáng sản, bất động sản, thương mại điện tử… Số thu từ thuế, phí chưa đảm bảo yếu tố bền vững, phụ thuộc nhiều vào số thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Việc xử lý các kiến nghị theo kết luận thanh tra, kiểm toán có một số nội dung còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; một số nội dung công việc được giao tiến độ giải quyết còn chậm.

Để hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2023 là 14.500 tỷ đồng, ngành Thuế Lâm Đồng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, xăng dầu, triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính, chiến lược hiện đại hóa ngành thuế.

Chỉ đạo về giải pháp thu ngân sách 2023, ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các ngành, địa phương nghiên cứu, mở rộng nguồn thu, khai thác các nguồn thu mới thông qua việc triển khai các công trình trọng điểm của tỉnh, đảm bảo các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát sinh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải gắn với nghĩa vụ nộp thuế, phí, các khoản thu NSNN cho tỉnh.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác chống thất thu theo các Đề án do UBND tỉnh ban hành, trong đó tập trung các lĩnh vực: Khoáng sản, bất động sản, xăng dầu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thương mại điện tử, cho thuê mặt bằng….

Rà soát, quản lý, thu nộp kịp thời tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê nhà đối với tài sản nhà nước đang được giao, cho thuê sử dụng, nhất là các trường hợp giao đất, nhưng có phát sinh hoạt động hợp tác kinh doanh, cho thuê lại đất, tài sản trên đất, thì phải quản lý, thu nộp đầy đủ vào NSNN, không để thất thu đối với quản lý, sử dụng tài sản công…/.

Cùng chuyên mục
Năm 2023, Lâm Đồng phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt 14.500 tỷ đồng