Nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia

(BKTO) - Kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là một trong những nội dung kiểm toán được Kiểm toán nhà nước (KTNN) rất quan tâm. Xuất phát từ vai trò quan trọng của CTMTQG, các đơn vị kiểm toán đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng kiểm toán, trong đó có việc áp dụng kiểm toán hoạt động vào nội dung kiểm toán này theo định hướng của lãnh đạo KTNN.

7-kt-muc-tieu.jpg
KTNN cần chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán CTMTQG. Ảnh tư liệu

Những kết quả kiểm toán nổi bật

Thời gian qua, với vai trò là cơ quan kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia. Trong đó, việc thực hiện kiểm toán các CTMTQG thể hiện hành động thiết thực của KTNN, góp phần nâng cao hiệu quả của các nguồn lực, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Qua kiểm toán CTMTQG, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện chương trình như: Cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của các bên chưa thực sự hiệu quả. Một số địa phương chưa thực hiện tốt việc tham mưu phân bổ, lồng ghép vốn, ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình; chưa bố trí nguồn cân đối từ ngân sách địa phương hoặc bố trí rất ít; giao vốn sự nghiệp chậm, chưa sát thực tế, không đúng nội dung hỗ trợ, nguồn kinh phí. KTNN còn phát hiện tình trạng bố trí vốn ngân sách trung ương chưa phù hợp mục tiêu cụ thể của chương trình; phân bổ vốn cho các dự án chưa tuân thủ thứ tự ưu tiên, bố trí vốn dàn trải; công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chương trình, hiệu lực và hiệu quả điều hành còn hạn chế. Thông qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi cơ chế, chính sách bất cập, từ đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư.

Những kết quả kiểm toán đạt được là nhờ có sự triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên cơ sở bám sát chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, quy định của KTNN, đặc biệt là bám sát kế hoạch kiểm toán, đề cương kiểm toán. Dẫn chứng từ cuộc kiểm toán CTMTQG Việc làm và Dạy nghề, một kiểm toán viên KTNN chuyên ngành III cho biết, với mục tiêu nhằm đánh giá công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, việc phối hợp và tổ chức thực hiện Chương trình; xác định tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của số liệu quyết toán của Chương trình, đoàn kiểm toán sẽ bám sát các nội dung kiểm toán tổng quát và nội dung kiểm toán cụ thể, cũng như các lưu ý kiểm toán. “Đối với các cuộc kiểm toán có quy mô lớn, nhiều đối tượng, liên quan đến nhiều văn bản, quy định thì việc triển khai nội dung kiểm toán đánh giá tính hiệu lực thực hiện Chương trình phải căn cứ vào thực tế từng địa phương, Bộ, ngành, song phải bám sát đề cương” - kiểm toán viên chia sẻ.

Còn theo đại diện Vụ Tổng hợp (KTNN), hiện nay, hệ thống quy trình, hướng dẫn kiểm toán CTMTQG tương đối đầy đủ. Đây chính là những điều kiện quan trọng để các đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán vận dụng triển khai vào hoạt động kiểm toán. Với mục đích nhằm cung cấp thông tin để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cuộc kiểm toán này luôn được lãnh đạo KTNN đặc biệt quan tâm và chỉ đạo các đơn vị kiểm toán chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiến hành kiểm toán.

Mạnh dạn chuyển hướng sang kiểm toán hoạt động

Có thể nói, những kết quả đạt được qua công tác kiểm toán CTMTQG là rất đáng khích lệ, trong bối cảnh nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra cho KTNN ngày càng nặng nề. Theo định hướng của lãnh đạo KTNN, bên cạnh việc phát huy hiệu quả các cuộc kiểm toán CTMTQG kết hợp nhiều loại hình, cần quan tâm triển khai kiểm toán hoạt động, để từ đó đánh giá tốt hơn tính kinh tế, tính hiệu quả của các nguồn lực đầu tư.

Theo các đơn vị kiểm toán, thực hiện nội dung kiểm toán CTMTQG trước đây chủ yếu là lồng ghép kiểm toán hoạt động trong một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ. Điều này cho phép KTNN thực hiện kiểm toán đảm bảo mục tiêu đặt ra, trong điều kiện nguồn lực có hạn. Tuy nhiên, khi loại hình kiểm toán hoạt động đã có bước phát triển mới, thì việc tiến hành kiểm toán chuyên sâu với CTMTQG cần được đẩy mạnh để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, kỳ vọng của Quốc hội, lãnh đạo KTNN. Theo đại diện Phòng Tổng hợp (KTNN chuyên ngành III), việc chuyển đổi sang kiểm toán hoạt động còn giúp tránh chồng chéo, phân tán, giúp đoàn kiểm toán có thể tập trung nguồn lực vào nội dung kiểm toán hoạt động. Khi đó, kiểm toán tài chính và tuân thủ không phải là trọng tâm, mà là công cụ phục vụ cho đánh giá về kiểm toán hoạt động.

Là đơn vị chủ trì, thực hiện thành công cuộc kiểm toán hoạt động quản lý sau đầu tư đối với các công trình cấp nước nông thôn thuộc CTMTQG Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, KTNN chuyên ngành V cho biết, việc tổ chức cuộc kiểm toán hoạt động riêng biệt với các nội dung có phạm vi rộng như CTMTQG cần phải được tiến hành thận trọng hơn so với các cuộc kiểm toán khác. Theo đó, đơn vị chủ trì kiểm toán phải bám sát kế hoạch, đề cương kiểm toán và đặc biệt quan tâm ngay từ khâu chuẩn bị kiểm toán. Trên cơ sở thông tin thu thập được, đoàn kiểm toán phải xác định trọng yếu kiểm toán; phân tích tỉ mỉ hệ thống kiểm soát nội bộ… nhằm tập trung nội dung kiểm toán cần thiết để hạn chế thấp nhất rủi ro kiểm toán. Việc xác định rủi ro kiểm toán cần được thực hiện một cách liên tục trong các bước của quy trình kiểm toán.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, đối với kiểm toán hoạt động, việc xây dựng tiêu chí kiểm toán là vấn đề khó khăn, nhất là trong các cuộc kiểm toán có quy mô lớn như CTMTQG. Do đó, KTNN cần tổ chức lấy ý kiến về mục tiêu, tiêu chí kiểm toán đối với các cơ quan quản lý nhà nước được khảo sát để vừa đảm bảo tính khả thi của mục tiêu và tiêu chí kiểm toán, vừa có được sự đồng thuận cao từ đơn vị trong quá trình kiểm toán tiếp theo.

PGS,TS. Đinh Thế Hùng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng lưu ý, khi đã có đủ nguồn lực thực hiện, kiểm toán hoạt động sẽ đạt được hiệu quả hơn cả nếu được tổ chức thành các cuộc kiểm toán riêng biệt, độc lập, thay vì lồng ghép. Dẫn kinh nghiệm quốc tế, PGS,TS. Đinh Thế Hùng cho biết, để tiến hành kiểm toán thuận lợi, nhiều cơ quan KTNN trên thế giới đã ban hành quy trình riêng cho từng loại kiểm toán hoạt động và thậm chí quy trình theo từng loại hình kiểm toán đối với các nhóm đối tượng kiểm toán cụ thể./.

Theo kế hoạch kiểm toán dự kiến, năm 2023, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán 3 CTMTQG về: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các cuộc kiểm toán này nhằm phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023 đối với chủ đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG.

Cùng chuyên mục
  • Tổ chức, thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ còn nhiều bất cập
    một năm trước Kiểm toán
    (BKTO) - Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giai đoạn 2019-2020, qua đấu thầu rộng rãi trong nước của 177 công trình sửa chữa lớn, kinh phí đã giảm được 38 tỷ đồng so với giá gói thầu được duyệt. Tuy nhiên, bên cạnh điểm tích cực này thì quá trình lập dự toán, thực hiện tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như công tác quản lý chất lượng, tiến độ công trình lại có nhiều hạn chế, thiếu sót.
  • 4 kỹ thuật phân tích nguyên nhân gốc rễ trong kiểm toán
    một năm trước Kiểm toán
    (BKTO) - Theo các chuyên gia của Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF), phân tích nguyên nhân gốc rễ (Root cause analysis - RCA) là phương pháp hiệu quả với 4 kỹ thuật phân tích giúp kiểm toán viên (KTV) tìm ra nguyên nhân của các sự việc.
  • Cân nhắc tính hiệu quả khi lựa chọn chủ đề  kiểm toán môi trường
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra những bất cập về cơ chế chính sách; nguồn tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt; ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng; việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng…
  • Nâng cao trách nhiệm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán
    một năm trước Kiểm toán
    (BKTO) - Trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực đang đẩy mạnh chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động kiểm toán là yêu cầu bắt buộc để giúp cho đoàn kiểm toán, kiểm toán viên thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán. Đây cũng chính là vấn đề được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhiều lần nhấn mạnh: Định hướng xuyên suốt của Kiểm toán nhà nước (KTNN) là coi trọng việc ứng dụng CNTT và xác định đây là xu thế tất yếu cho sự phát triển của KTNN.
  • Làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sáng 01/12, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo: "Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Kiểm toán nhà nước".
Nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia