Tổ chức, thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ còn nhiều bất cập

(BKTO) - Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giai đoạn 2019-2020, qua đấu thầu rộng rãi trong nước của 177 công trình sửa chữa lớn, kinh phí đã giảm được 38 tỷ đồng so với giá gói thầu được duyệt. Tuy nhiên, bên cạnh điểm tích cực này thì quá trình lập dự toán, thực hiện tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như công tác quản lý chất lượng, tiến độ công trình lại có nhiều hạn chế, thiếu sót.

6.jpg
Công tác khảo sát công trình sửa chữa định kỳ, đột xuất của nhiều đơn vị chưa sát thực tế. Ảnh: P. TUÂN

Nhiều đơn vị lập dự toán áp dụng sai định mức, đơn giá

Từ thực tiễn kiểm toán cho thấy, việc lập dự toán áp dụng sai định mức, đơn giá và tính sai khối lượng một số công trình tại Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hóa số tiền xấp xỉ 89 triệu đồng. Tương tự, Sở GTVT Hà Giang đã lập dự toán chênh lệch số tiền 54,5 triệu đồng; Sở GTVT Quảng Nam chênh lệch số tiền 212,4 triệu đồng; Cục Quản lý đường bộ II chênh lệch số tiền 629,6 triệu đồng. Trong đó, Sở GTVT Hà Giang áp dụng sai định mức vận chuyển đá hỗn hợp 1km tiếp theo trong phạm vi 5km trở lại bằng ô tô; áp đơn giá một số hạng mục làm và thả rọ đá trên cạn; xếp đá khan không chít mạch mặt bằng; tính sai khối lượng xúc đá bằng máy đào sau khi phá đá lên phương tiện vận chuyển…

Cùng với đó, công tác thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán thiếu nội dung đánh giá mức độ an toàn công trình và bảo đảm an toàn của công trình lân cận. Thời gian thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán còn chậm. Một số quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thiếu nội dung dự kiến phân bổ nguồn vốn sử dụng theo tiến độ. Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng phát hiện Báo cáo khảo sát xây dựng của 2 công trình không ghi ngày, tháng phát hành; thuyết minh Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của 4 công trình thiếu nội dung cấp công trình, bảo vệ môi trường, hiệu quả đầu tư xây dựng; xác định chi phí dự phòng của 5 công trình thiếu diễn giải chi tiết.

Theo đánh giá của KTNN, công tác khảo sát công trình sửa chữa định kỳ, đột xuất của nhiều đơn vị chưa sát với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục, thay đổi chi phí xây dựng; cắt giảm quy mô đầu tư; cắt giảm do trùng với dự án khác; có công trình phải chuyển sang năm sau triển khai. Cục Quản lý đường bộ I không xác định và xếp hạng ưu tiên xử lý điểm đen; không có tài liệu chứng minh việc nghiên cứu hiện trường lần hai để xác định nguyên nhân; không thực hiện lấy ý kiến đơn vị cảnh sát giao thông phụ trách đoạn đường có điểm đen để điều tra, phân tích và đưa ra giải pháp xử lý; Hồ sơ khảo sát không có biên bản lấy ý kiến của Chi cục Quản lý đường bộ…

Thiếu sót trong tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ

Liên quan đến công tác đấu thầu, KTNN nêu rõ, hồ sơ mời thầu và hợp đồng công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, khắc phục bão lũ bước 1 tại Sở GTVT Nghệ An chưa chi tiết các nội dung cam kết. Hồ sơ mời thầu của Sở GTVT các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Giang, Điện Biên và Ban Quản lý dự án 4 chưa quy định mức tạm ứng và số lần tạm ứng hợp đồng xây dựng gửi cho bên nhận thầu để bên nhận thầu làm cơ sở tính toán giá dự thầu, giá đề xuất mà chỉ quy định mức tạm ứng tối đa 50% là chưa phù hợp với khoản 3 Điều 18 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

Thậm chí, tại Sở GTVT Điện Biên, hồ sơ mời thầu còn đưa ra yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật đã hết hiệu lực. Báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của một số đơn vị còn thiếu sự phân chia thành các gói thầu, thiếu nội dung tờ trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Thời gian thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu chậm. Một số quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa ghi rõ thời gian cấp vốn để thanh toán cho nhà thầu.

Trong thương thảo, ký kết hợp đồng, KTNN phát hiện một số hợp đồng chưa quy định về thành phần nhân sự tham gia nghiệm thu, bàn giao; biểu mẫu nghiệm thu, bàn giao; người ký các biên bản, tài liệu nghiệm thu, bàn giao; giai đoạn thanh toán và thời điểm thanh toán. Hợp đồng tư vấn thiết kế một số công trình sửa chữa định kỳ chưa quy định trách nhiệm các bên trong việc xử lý đền bù khi tính toán sai khối lượng, số lượng công việc.

Quản lý chất lượng, tiến độ công trình thiếu chặt chẽ

Qua kiểm toán chọn mẫu công tác quản lý tiến độ, KTNN chỉ ra một số công trình còn chậm tiến độ. Theo các đơn vị, nguyên nhân là do quá trình thi công gặp thời tiết bất lợi, cùng với đó là do phát sinh khối lượng, chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đồng thời, các đơn vị cũng đã báo cáo và được cấp có thẩm quyền chấp thuận gia hạn tiến độ.

Vấn đề đáng lưu ý là các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng công trình tại Sở GTVT Hà Giang chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm như: Lập báo cáo định kỳ hàng quý về tình hình chất lượng công trình đường bộ được giao quản lý, bảo dưỡng; chưa sơ họa và ghi kích thước cụ thể vị trí mặt đường hư hỏng và “lún võng ổ gà”, không ghi kết quả xử lý, giải quyết. Nghiêm trọng hơn, nhật ký thi công xây dựng một số công trình của Cục Quản lý đường bộ I ghi chép chưa đầy đủ phương tiện ra vào công trường, số lượng xe, số chuyến vận chuyển, loại hàng hóa, khối lượng hàng hóa vận chuyển cho từng phương tiện theo biển số đăng ký. Tình trạng thiếu danh sách cán bộ kỹ thuật các bên trực tiếp tham gia xây dựng công trình, diễn biến tình hình thi công, số lượng nhân công, thiết bị huy động để thực hiện thi công tại hiện trường cũng xảy ra tại nhiều công trình của Cục Quản lý đường bộ I, Cục Quản lý đường bộ III, Ban Quản lý dự án 4 và các Sở GTVT: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Phú Thọ, Quảng Nam.

Tình trạng quản lý thi công chất lượng công trình cũng bị ảnh hưởng khi đơn vị tư vấn thiết kế bản vẽ thi công không cung cấp văn bản cử cán bộ thực hiện giám sát tác giả. Chủ đầu tư chưa có văn bản gửi đến nhà thầu thiết kế về việc chấp thuận kết quả nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng của một số công trình sửa chữa định kỳ. Bản vẽ hoàn công cũng chưa thực hiện đầy đủ việc chỉnh sửa các chi tiết thay đổi, vấn đề này được KTNN phát hiện tại hạng mục công việc của Cục Quản lý đường bộ I và Sở GTVT Nghệ An. Chưa hết, biên bản nghiệm thu đào đắp nền đường của Sở GTVT Nghệ An còn thiếu chữ ký của giám sát thi công; nhà thầu bảo dưỡng, nhà thầu quản lý vận hành công trình đường bộ thu thập thiếu một số bản vẽ hoàn công để phục vụ khai thác và bảo trì công trình đường bộ đối với công trình được bàn giao từ nhiều năm trước.

KTNN đã đưa ra những kiến nghị cụ thể, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trên./.

Sở GTVT Thanh Hóa đã ký hợp đồng ủy thác với các Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông số 1, số 2 của tỉnh thực hiện quản lý dự án, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ mà chưa báo cáo kịp thời với Tổng cục Đường bộ về phần kinh phí bảo trì quốc lộ được ủy quyền cho Sở GTVT Thanh Hóa quản lý.

Cục Quản lý đường bộ I có 1 công trình, Cục Quản lý đường bộ II có 6 công trình; Cục Quản lý đường bộ III có 2 công trình, Ban Quản lý dự án 4 có 3 công trình, Sở GTVT Điện Biện có 3 công trình, Sở GTVT Quảng Nam có 2 công trình bị chậm tiến độ.

Cùng chuyên mục
Tổ chức, thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ còn nhiều bất cập