Nâng cao trách nhiệm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực đang đẩy mạnh chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động kiểm toán là yêu cầu bắt buộc để giúp cho đoàn kiểm toán, kiểm toán viên thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán. Đây cũng chính là vấn đề được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhiều lần nhấn mạnh: Định hướng xuyên suốt của Kiểm toán nhà nước (KTNN) là coi trọng việc ứng dụng CNTT và xác định đây là xu thế tất yếu cho sự phát triển của KTNN.

4.jpg
KTNN đã xây dựng trung tâm dữ liệu số hiện đại, phục vụ hoạt động kiểm toán. Ảnh tư liệu

Nỗ lực trong việc đưa công nghệ vào hoạt động kiểm toán

Qua thực tế kiểm toán của KTNN cho thấy, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng ứng dụng CNTT hiện đại trong hoạt động quản lý tài chính và nghiệp vụ. Trước thực tiễn đổi mới từ đối tượng kiểm toán, KTNN cũng đang đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT. Ngoài việc đầu tư xây dựng môi trường CNTT chung của Ngành, KTNN đặc biệt quan tâm đầu tư, đưa công nghệ mới vào trong hoạt động kiểm toán.

Theo KTNN chuyên ngành VII, nhờ ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán đã giúp cho việc phân tích thông tin, dữ liệu của kiểm toán viên được nhanh chóng và chính xác hơn, tạo nguồn dữ liệu lớn phục vụ cho hoạt động kiểm toán như: Tập hợp được nhiều thông tin từ tổng hợp đến chi tiết liên quan đến các đầu mối kiểm toán, các thông tin phân tích khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán, lưu trữ hồ sơ kiểm toán trong tất cả các giai đoạn của quy trình kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định nội dung, phạm vi, trọng tâm, trọng yếu kiểm toán...

Trong từng loại hình kiểm toán cụ thể, KTNN xây dựng phát triển các phần mềm ứng dụng kiểm toán và thực hiện một số kỹ thuật kiểm toán trong môi trường CNTT. Đơn cử, trong lĩnh vực ngân hàng, KTNN đã xây dựng được phần mềm chấm điểm xếp hạng tín dụng, giúp các kiểm toán viên dễ dàng kiểm tra lại tính chính xác trong việc phân loại nợ tín dụng, loại bỏ rủi ro kiểm toán do sự can thiệp; đồng thời, giúp cho đoàn kiểm toán thống nhất phương pháp và xử lý số liệu kiểm toán khi thực hiện kiểm toán một nghiệp vụ cho nhiều đầu mối chi nhánh trong cùng hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, KTNN đã áp dụng phần mềm CAAT’s để phân tích, xử lý dữ liệu lớn về nghiệp vụ và tài chính…

Đặc biệt, trong lộ trình chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, năm 2022, KTNN đã tổ chức thí điểm kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Theo Kiểm toán viên Lê Ngọc Long (KTNN chuyên ngành VI, thành viên Đoàn kiểm toán), tại cuộc kiểm toán này, kiểm toán viên đã tiếp cận các dữ liệu được số hóa thông qua Cổng trao đổi thông tin của KTNN; đồng thời thí điểm các phần mềm phân tích dữ liệu lớn, chữ ký số để đảm bảo tính bảo mật… Việc kiểm toán trên môi trường số đã phần nào tiết kiệm thời gian, chi phí kiểm toán (không phải di chuyển nhiều, kiểm toán viên có thể dành thời gian cho các nhiệm vụ gia tăng giá trị khác); giảm thiểu tác động của yếu tố bất khả kháng; góp phần tăng tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán...

Theo Trung tâm Tin học (TTTH) - KTNN, dấu ấn CNTT trong hoạt động kiểm toán ngày càng rõ rệt, khi hồ sơ kiểm toán đã được số hóa, góp phần giúp nâng cao hiệu quả quản lý hồ sơ; cũng như các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên thuận lợi tham khảo tài liệu. “Việc đưa hồ sơ lên hệ thống được đảm bảo an toàn, bảo mật và mang lại nhiều tiện ích cho công tác quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ cho kiểm toán viên” - lãnh đạo Trung tâm cho biết và chia sẻ, các đơn vị kiểm toán, kiểm toán có thể khai thác được dữ liệu đã số hóa để phục vụ hoạt động kiểm toán.

Từng đơn vị phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm

Năm 2023, KTNN xác định tiếp tục triển khai các nội dung theo kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; tích cực triển khai các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông tin đơn vị được kiểm toán của KTNN…, từ đó phục vụ tốt hơn cho hoạt động kiểm toán.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, TTTH đang từng bước xây dựng nền tảng quản trị thông minh, tiến tới kiểm toán dựa trên dữ liệu số, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Trung tâm cùng các đơn vị kiểm toán đang nỗ lực xây dựng các phần mềm mới, cũng như hoàn thiện, nâng cấp phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán hiện hành. Theo Phó Giám đốc TTTH Nguyễn Văn Quang, các phần mềm có tác dụng hỗ trợ việc phân tích dữ liệu, tổng hợp, chọn mẫu và thực hiện kỹ thuật kiểm toán trên các tệp dữ liệu để xác định những sai sót, bất thường, xu hướng của thông tin tài chính trên các lĩnh vực kiểm toán ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp và tài chính ngân hàng. Khi được áp dụng phổ biến sẽ mang lại rất nhiều tiện ích, giúp hỗ trợ hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên.

Nhấn mạnh xu thế tất yếu là đẩy mạnh kiểm toán trên môi trường số, nhiều ý kiến cho rằng, KTNN cần tiếp tục trao đổi, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, cấp quyền cho KTNN thực hiện truy cập, khai thác hệ thống dữ liệu; đảm bảo hạ tầng CNTT đồng bộ… Đi đôi với đó, KTNN cần tăng cường trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán, các tổ chức kiểm toán quốc để nắm bắt xu thế mới trong lĩnh vực CNTT; tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT của KTNN, đặc biệt là các lĩnh vực mới như: Quản trị dữ liệu, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…

Làm việc với các đơn vị kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhiều lần nhấn mạnh định hướng xuyên suốt của KTNN, đó là: Coi trọng việc ứng dụng CNTT và xác định đây là xu thế tất yếu cho sự phát triển của KTNN. Đặc biệt, tại cuộc họp giao ban tháng 11/2022 toàn Ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán phải coi việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán là yêu cầu bắt buộc, dựa vào kết quả ứng dụng công nghệ để đánh giá, xếp loại kiểm toán viên. Các đơn vị phải tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp có tính đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán. Muốn làm được điều này, đòi hỏi trách nhiệm của từng kiểm toán viên mà trước tiên là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán để đưa việc ứng dụng CNTT trở thành thói quen, nền nếp./.

 Nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 1934/QĐ-KTNN về Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của KTNN; Quyết định số 963/QĐ-KTNN quy định về tiêu chí, thang điểm, tiêu chuẩn đánh giá thành viên đoàn kiểm toán, trong đó có quy định rõ việc trừ điểm đối với thành viên đoàn kiểm toán nếu không ứng dụng các phần mềm của KTNN trong quá trình kiểm toán. KTNN cũng đã thuê đơn vị tư vấn độc lập thực hiện khảo sát đánh giá tổng thể về CNTT, chuyển đổi số của KTNN để phục vụ cho việc xây dựng kiến trúc cơ sở dữ liệu được đồng bộ.

Cùng chuyên mục
Nâng cao trách nhiệm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán