Vẫn còn nhiều thách thức
Dù là lĩnh vực kiểm toán tương đối quen thuộc, song các cuộc kiểm toán NSĐP luôn đặt ra những thách thức nhất định cho đoàn kiểm toán, cũng như cho công tác KSCLKT. Xuất phát từ thực trạng này, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là KTNN các khu vực tập trung vào công tác kiểm tra, KSCLKT.
Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Trần Khánh Hòa, nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác KSCLKT trong việc phòng ngừa sai sót, nâng cao chất lượng kiểm toán, lãnh đạo đơn vị đã tăng cường chỉ đạo, quán triệt quy chế kiểm soát của Ngành, rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện kiểm soát của các cấp kiểm soát để không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác này. Kết quả kiểm soát được bộ phận kiểm soát thông báo, trao đổi kịp thời cho tổ kiểm toán, kiểm toán viên để rút kinh nghiệm khắc phục, rà soát, chỉnh sửa kết quả kiểm toán cho phù hợp.
Mặc dù vậy, trong tổ chức thực hiện KSCLKT vẫn còn mặt chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đảm bảo chất lượng, nhất là kiểm soát bằng chứng kiểm toán của các đơn vị kết thúc cuối đợt kiểm toán, kiểm soát giai đoạn hoàn thiện báo cáo kiểm toán để gửi đơn vị được kiểm toán lấy ý kiến, do thời điểm này các thành viên của tổ kiểm soát thường tham gia các cuộc kiểm toán đợt tiếp theo trong năm.
Trong bối cảnh công tác kiểm soát được tăng cường, với những yêu cầu ngày càng cao cũng đặt ra không ít thách thức cần được giải quyết. Đơn cử, do đặc thù lĩnh vực kiểm toán NSĐP với nhiều nội dung kiểm toán phức tạp; kết quả kiểm toán và kiến nghị kiểm toán lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân đòi hỏi các đơn vị phải chú trọng và tìm giải pháp để giảm thiểu những khó khăn này.
Trong khi đó, qua thực tiễn KSCLKT, các kiểm toán viên của Phòng NSĐP (Vụ Chế độ và KSCLKT) cho biết, lĩnh vực NSĐP đòi hỏi mỗi kiểm toán viên phải có kiến thức, kinh nghiệm về các lĩnh vực thu ngân sách, chi thường xuyên, đầu tư dự án. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết kiểm toán viên tham gia vào công tác kiểm soát NSĐP chỉ được đào tạo, có kinh nghiệm trong kiểm soát về lĩnh vực tài chính hoặc đầu tư xây dựng cơ bản nên chất lượng công tác kiểm soát chưa cao.
Có nhiều năm tham gia công tác KSCLKT tại địa phương, Trưởng Phòng Kiểm toán đầu tư dự án (KTNN khu vực V) Phạm Văn Hùng cho biết, kiểm toán ngân sách tại cấp huyện bao gồm nhiều nội dung, thời gian kiểm soát ngắn, song khoảng cách giữa các địa bàn kiểm toán thường xa, tổ kiểm soát phải di chuyển mất thời gian nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ kiểm soát.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng kiểm soát kiểm toán
Trên cơ sở đặc thù của các cuộc kiểm toán NSĐP gồm nhiều lĩnh vực (thu ngân sách, chi thường xuyên, đầu tư dự án), các ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác kiểm soát; cũng như có cách thức kiểm soát phù hợp đối với mỗi hình thức kiểm toán để đạt được mục tiêu đề ra.
Theo Trưởng Phòng NSĐP (Vụ Chế độ và KSCLKT) Trần Thị Thanh Bình, đối với các cuộc kiểm toán thực hiện giám sát, cần tập trung nghiên cứu dự thảo báo cáo kiểm toán, các phát hiện số liệu lớn. So sánh các kết quả phát hiện của kiểm toán viên trong nhật ký kiểm toán với dự thảo báo cáo; đánh giá cơ sở pháp lý, tính phù hợp của các đánh giá, kiến nghị kiểm toán, tính phù hợp giữa kết quả kiểm tra đối chiếu thuế với quy định Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn...
Đối với các cuộc kiểm toán thực hiện kiểm soát trực tiếp, cần tập trung kiểm soát bằng chứng kiểm toán; kiểm soát các nội dung mà tổ kiểm toán có nhiều phát hiện như đối chiếu thuế, các đơn vị kiểm toán tổng hợp như: Sở Tài chính, Cục thuế, Hải quan. Tổ kiểm soát tiếp cận tài liệu, hồ sơ kiểm toán hiện có của tổ kiểm toán để đưa ra các ý kiến kiểm soát và tổ kiểm toán có thể khắc phục ngay trong quá trình kiểm toán.
Theo đó, căn cứ vào báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu của các đơn vị sự nghiệp có thu được kiểm toán, tổ kiểm soát sẽ lựa chọn để kiểm tra, đối chiếu, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán viên. Đối với việc kiểm toán các dự án, ngoài xem xét báo cáo của đơn vị, cũng cần chú ý đối với kết quả thanh tra, kiểm tra của các đơn vị khác để xem xét việc thực hiện kiểm toán của kiểm toán viên. Trong đó, cần xem xét cụ thể đối với các hồ sơ kiểm toán chưa được đơn vị ký xác nhận, các vấn đề đơn vị còn giải trình, đặc biệt là các bằng chứng kiểm toán và xử lý của kiểm toán viên về các vấn đề này.
Để phát huy hiệu quả công tác KSCLKT, các đơn vị kiểm toán cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác KSCLKT đối với đoàn kiểm toán, chú trọng hình thức kiểm soát trực tiếp. Việc kiểm soát phải tập trung phát hiện các thiếu sót trọng yếu của kiểm toán viên; chú trọng kiểm soát việc xác định trọng tâm kiểm toán, chọn mẫu kiểm toán, đối chiếu, sự thống nhất số liệu giữa các hồ sơ; chất lượng của bằng chứng kiểm toán...
Đặc biệt, xác định vai trò quan trọng của yếu tố con người trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm soát, các đơn vị cũng cho rằng, cần nâng cao trình độ chuyên môn cho các kiểm toán viên tham gia vào công tác kiểm soát trên tất cả các lĩnh vực thu, chi ngân sách, đầu tư dự án. Đối với Vụ Chế độ và KSCLKT, cần tăng cường trao đổi, phối hợp với KTNN các khu vực để hiểu thêm về đặc thù, quy mô ngân sách của từng địa phương, từ đó định hướng phù hợp trong công tác kiểm soát./.
Đối với kiểm toán NSĐP, các bộ phận kiểm soát các cấp đã đặc biệt chú trọng kiểm soát đến kết quả kiểm toán đối với các nội dung trọng yếu được nêu trong kế hoạch kiểm toán; tập trung kiểm soát bằng chứng kiểm toán đối với các kiến nghị xử lý tài chính lớn, phức tạp và những kiến nghị về cơ chế, chính sách hoặc các kiến nghị còn có ý khác nhau.
- TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và KSCLKT -