Thúc đẩy đổi mới sáng tạo để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững

(BKTO) – Đây là nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội thảo “Thúc đẩy an toàn thực phẩm và đổi mới sáng tạo vì một nền nông nghiệp Việt Nam xanh và bền vững hơn” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp tổ chức cùng Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức chiều 16/8.

26580544365be405bd4a.jpg
Quang cảnh Hội thảo. N.Lộc

Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan: nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nhóm vấn đề chính, đặc biệt là vấn đề tăng cường đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. 

Các đại biểu cho rằng, sản xuất nông nghiệp cần phải có sự đổi mới trong quy trình sản xuất, tổ chức sản xuất, kết nối thị trường để nâng cao giá trị của sản phẩm.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Tô Việt Châu, Việt Nam đang trên lộ trình chuyển đổi mạnh mẽ mô hình sản xuất để phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là hướng đến nông nghiệp công nghệ cao. 

Tuy nhiên, để chuyển đổi thành công mô hình sản xuất, đòi hỏi sự chung tay của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. 

dsc_4631-172918_710.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Tô Việt Châu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N.Lộc

Chung ý kiến, ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn dẫn kinh nghiệm từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới và cho rằng, cần phải đẩy mạnh đưa công nghệ vào trong nông nghiệp; đồng thời chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình sản xuất đòi hỏi phải nghiên cứu thận trọng để đảm bảo việc áp dụng các giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương. 

Bên cạnh đó, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần giải quyết các nút thắt về thể chế; thu hút đầu tư lĩnh vực thực phẩm… để tạo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp ngay từ các khâu trong quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ...

Trao đổi tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, song so với các ngành kinh tế khác, tốc độ phát triển của nông nghiệp còn chậm; năng suất thấp; cùng với đó là tình trạng sản xuất chưa chú trọng đảm bảo an toàn sản phẩm…

Tất cả những hạn chế này tạo ra thách thức đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Do đó, việc đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp để gia tăng sản lượng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Trong quá trình này, yếu tố công nghệ hỗ trợ cần được đặt lên hàng đầu.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ những bài học thực tiễn và khuyến nghị, cung cấp góc nhìn đa chiều cho kế hoạch hợp tác công - tư trong tương lai; đồng thời khẳng định sự tham gia đầy đủ của các bên trong lĩnh vực nông nghiệp là chìa khóa đối với xây dựng chính sách nông nghiệp, thực thi chính sách nông nghiệp một cách hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững. 

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững