Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện pháp luật về kiểm toán

(BKTO) - Ngày 20/11, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Vụ Pháp chế phối hợp với KTNN chuyên ngành V tổ chức Hội nghị tuyên truyền Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN và Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

_dsc7940.jpg
Quang cảnh Hội nghị tuyên truyền văn bản của KTNN. Ảnh: N.Lộc

Thận trọng khi xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Ông Lê Xuân Đạt (Vụ Pháp chế) - Báo cáo viên tại Hội nghị - cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng đề cao vai trò và quy định rõ trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng thông qua việc thực hiện chức năng kiểm toán.

Luật cũng quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng. "KTNN được xác định là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý vi phạm tham nhũng" - ông Đạt cho biết. 

Cùng với đó, Luật KTNN năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2019 quy định về trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước, đó là: Ban hành Quy trình kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng, việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. 

Khoản 5 Điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: KTNN có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự.

Do đó, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kiểm toán, xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật, tăng cường trách nhiệm của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, việc xây dựng “Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng” là cần thiết.

Trên cơ sở các quy định của Luật KTNN, Luật Phòng, chống tham nhũng, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được ban hành; trong đó quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán.

Cụ thể, Quy trình quy định rõ việc kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng phát hiện trong quá trình kiểm toán được thực hiện theo 3 bước gồm: Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

a-dat.jpg
Báo cáo viên trao đổi tại Hội nghị. Ảnh: N.Lộc

Tuy nhiên, theo ông Đạt, thực tiễn triển khai sẽ luôn đa dạng tình huống, do đó, các kiểm toán viên khi gặp các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì cần thận trọng, thực hiện nghiêm chế đố báo cáo, xin ý kiến đã được nêu tại Quy trình này và theo quy định về hoạt động kiểm toán. 

Quy trình cũng quy định rõ, trường hợp phát sinh các trường hợp khác ngoài quy định của Quy trình này thì thành viên Đoàn kiểm toán phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.

Tạo thuận lợi để đưa Pháp lệnh vào cuộc sống

Theo Báo cáo viên, sau khi Pháp lệnh được ban hành, KTNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tạo thuận lợi để sớm đưa quy định vào cuộc sống.

“Việc đẩy mạnh tuyên truyền các quy định mới liên quan đến Pháp lệnh là yêu cầu cấp thiết, là bước thứ hai trong Kế hoạch triển khai Pháp lệnh vào thực tiễn” - Báo cáo viên Lê Xuân Đạt cho biết.

Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đã được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 10/3/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023.

Trên cơ sở Pháp lệnh, ngày 02/6/2023, KTNN ban hành Quyết định số 811/QĐ-KTNN hướng dẫn về thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Đối với vấn đề xác định các hành vi vi phạm hành chính nhận được sự quan tâm của nhiều công chức, kiểm toán viên, Báo cáo viên cho biết, Điều 5 của Pháp lệnh quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được xác định căn cứ vào các quy định của Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động KTNN.

Trong đó, 7 nhóm loại hành vi vi phạm gồm: Hành vi vi phạm các quy định về gửi báo cáo định kỳ; hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán; hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán; hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán; hành vi mua chuộc, hối lộ thành viên Đoàn kiểm toán, cản trở công việc của KTNN; hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán; hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN...

Tại Hội nghị, báo cáo viên cũng lưu ý đối với thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Cụ thể, tại Điều 21, 22 và 23 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 811/QĐ-KTNN ngày 02/6/2023 về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN quy định tại Điều 16 Pháp lệnh bao gồm: Trưởng đoàn kiểm toán, kiểm toán trưởng.

Đối với thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được mở rộng đến: Kiểm toán viên nhà nước, Tổ trưởng tổ kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng...

"Việc hiểu rõ, đầy đủ các quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN và Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là trách nhiệm của kiểm toán viên, nên mỗi người cần quan tâm, nghiêm túc tìm hiểu để thực hiện đúng" - ông Đạt cho biết./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện pháp luật về kiểm toán