Tồn tại trong quản lý, đầu tư cho khoa học công nghệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ

(BKTO) - Qua kiểm toán tại Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành III đã chỉ ra nhiều sai sót trong công tác quản lý nhiệm vụ KHCN tại Bộ, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị để Bộ chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý KHCN.

5.jpg
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN do KTNN chuyên ngành III phối hợp tổ chức chiều 14/11

Thông tin này được Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Phạm Thành Ngọc trao đổi tại Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN giai đoạn 2020-2022 tại các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương diễn ra mới đây.

Trong đó, việc chấp hành chế độ báo cáo ngành KHCN chưa đầy đủ. Cụ thể, Bộ KHCN đã thực hiện chế độ báo cáo định kỳ gửi Chính phủ và thực hiện báo cáo tổng kết đánh giá việc sử dụng nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực KHCN giai đoạn 2016-2020; báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phân bổ ngân sách cho nhiệm vụ KHCN giai đoạn 2016-2020 theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ.

Tuy nhiên, số liệu báo cáo chưa đầy đủ theo quy định. Việc thực hiện chưa nghiêm túc, chưa thực hiện hiệu quả chế độ công khai, minh bạch thông tin về nhiệm vụ KHCN các cấp thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu KHCN có thể dẫn đến việc chồng chéo, trùng lặp trong phê duyệt và giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách các cấp và việc điều hành chính sách vĩ mô, hoạt động giám sát và quản lý kinh phí sự nghiệp KHCN của Nhà nước.

pho-kiem-toan-truong-ktnn-chuyen-nganh-iii-pham-thanh-ngoc.jpg

Đến nay, tất cả các nhiệm vụ do Bộ KHCN quản lý mặc dù đã kết thúc, nghiệm thu nhưng do chưa xử lý, bàn giao tài sản của nhiệm vụ nên không ký thanh lý hợp đồng KHCN theo quy định.

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Phạm Thành Ngọc

Nguyên nhân chủ yếu là do chưa xác định được chi phí tạo lập tài sản, một phần xuất phát từ bất cập trong các quy định pháp luật, hướng dẫn về xử lý tài sản từ kết quả nhiệm vụ KHCN còn khó thực hiện. Bởi vậy, "đến nay, tất cả các nhiệm vụ do Bộ KHCN quản lý mặc dù đã kết thúc, nghiệm thu nhưng do chưa xử lý, bàn giao tài sản của nhiệm vụ nên không ký thanh lý hợp đồng KHCN theo quy định." - lãnh đạo KTNN chuyên ngành III cho biết. 

Qua kiểm toán tại Bộ KHCN cho thấy, việc giao dự toán kinh phí sự nghiệp KHCN chưa sát với thực tiễn đề xuất cũng như vượt quá khả năng của đơn vị, giao không đúng tiến độ. Đồng thời, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc thực hiện nhiệm vụ KHCN chậm tiến độ so với thuyết minh được phê duyệt, nhiều nhiệm vụ phải xin gia hạn thời gian thực hiện dẫn đến số chi chuyển nguồn kinh phí hàng năm còn lớn, phần nào gây lãng phí nguồn lực NSNN vốn đã rất hạn hẹp dành cho nghiên cứu khoa học.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp KHCN cũng được đánh giá là chưa hiệu quả. Kết quả kiểm toán chỉ ra rằng, giai đoạn 2020-2022, công tác thực hiện và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chưa kịp thời, dẫn đến một số chương trình KHCN đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng chưa được triển khai hoặc chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu của toàn chương trình.

Ngoài ra, công tác thẩm định, phê duyệt, thanh quyết toán nhiệm vụ không phù hợp với thuyết minh được duyệt, vượt định mức theo quy định hiện hành; ban hành Quyết định chấm dứt hợp đồng đối với dự án dừng thực hiện chưa đúng trình tự, thủ tục, chưa đủ căn cứ; còn mua sắm tài sản, vật tư phục vụ nghiên cứu chưa đúng quy định Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn liên quan..., từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn lực NSNN dành cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quốc gia.

Theo KTNN chuyên ngành III, kết quả kiểm toán tại Bộ KHCN là cơ sở để KTNN kiến nghị Bộ tập trung rà soát việc thực hiện các quy định tại Luật KHCN, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KHCN đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật (Luật Khoa học và công nghệ, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…), trên cơ sở đó, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo thẩm quyền để thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phát triển KHCN./.

Cùng chuyên mục
Tồn tại trong quản lý, đầu tư cho khoa học công nghệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ