Năng lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan Kiểm toán nhà nước không ngừng được nâng cao

NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện) | 31/08/2023 19:00

(BKTO) - Chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán bên lề Hội nghị người đứng đầu 3 cơ quan Kiểm toán nhà nước (KTNN) Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10, bà Som Kim Suor - Tổng KTNN Campuchia - nhấn mạnh: “Tôi tin chắc rằng những kinh nghiệm mà chúng ta có được hiện nay là rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao năng lực của cán bộ và nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan KTNN các bên”.

7.jpg
Tổng KTNN Campuchia Som Kim Suor. Ảnh: N.LY 

Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về kết quả của Hội nghị người đứng đầu 3 cơ quan KTNN Campuchia - Lào - Việt Nam lần này?

Trước hết, tôi xin cảm ơn KTNN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị người đứng đầu ba cơ quan KTNN Campuchia - Lào - Việt Nam (Hội nghị ba bên) lần thứ 10 này.

Hội nghị thực sự đã mang lại sự chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm, đặc biệt liên quan đến kiểm toán trong trạng thái bình thường mới, giám sát việc thực hiện tiến độ kiểm toán của từng cơ quan về kiểm toán nguồn thu thuế và những thành tựu chính của các đơn vị sau Hội nghị ba bên lần thứ 9.

Sau khi thảo luận và trao đổi, tôi tin chắc rằng những kinh nghiệm mà chúng ta có được hiện nay là rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao năng lực của cán bộ và nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan KTNN các bên.

Việc thực hiện mục tiêu hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động chuyên môn, tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau mà ba bên đề ra từ năm 2009 đến nay đã mang lại những lợi ích gì cho KTNN Campuchia, thưa bà?

Hội nghị ba bên là sáng kiến được đưa ra từ năm 2009, khi 3 tổ chức gặp nhau để thảo luận luân phiên tổ chức tại mỗi nước nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về các chủ đề cụ thể đã được thống nhất. Từ năm 2015, các cơ quan đã thống nhất tổ chức Hội nghị ba bên hai năm một lần.

Tại mỗi Hội nghị, ngoài việc thảo luận, trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và tiến độ công việc của mỗi cơ quan KTNN, có 1 chủ đề cụ thể được thảo luận để mỗi cơ quan chia sẻ kinh nghiệm thực hiện và kết quả đạt được, thách thức và giải pháp.

Bên cạnh những bước tiến lớn trong việc phát triển năng lực kiểm toán chuyên nghiệp, khuôn khổ hợp tác ba bên còn góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa 3 nước trên các lĩnh vực và có tính chiến lược. Đồng thời, mối quan hệ giữa 3 cơ quan KTNN ngày càng được củng cố và phát triển thông qua việc trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao năng lực nghiệp vụ kiểm toán nhằm hỗ trợ công tác quản lý tài chính công của mỗi Chính phủ minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả cao.

Tổng KTNN Campuchia Som Kim Suor

Cho đến nay, đã có 10 chủ đề được đưa ra và tôi cho rằng, mỗi cơ quan, trong đó có KTNN Campuchia, đã có những kinh nghiệm hay để áp dụng nhằm tăng cường năng lực cán bộ và chất lượng công tác kiểm toán, góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả cao trong quản lý tài chính công.

Trải qua 14 năm thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác ba bên giữa KTNN Campuchia - Lào - Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về sự tiến triển của mối quan hệ này?

Cảm ơn các bạn đã nêu ra câu hỏi quan trọng này, vì các bạn đã biết rằng đây là Hội nghị ba bên lần thứ 10 được tổ chức, với các nội dung, chủ đề được đưa ra thảo luận gồm: Tình hình hoạt động sau Hội nghị ba bên lần thứ 9, đặc biệt là kiểm toán thu thuế qua công nghệ thông tin; kiểm toán trong trạng thái bình thường mới và theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

7.1.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tặng quà lưu niệm cho bà Som Kim Suor - Tổng KTNN Campuchia. Ảnh: BẮC SƠN

Tất cả những chủ đề này đều quan trọng đối với việc thực hiện chức năng kiểm toán của mỗi cơ quan KTNN, điều này sẽ mang lại sự đóng góp cần thiết cho Chính phủ của mỗi quốc gia trong việc xây dựng khung chính sách phát triển quốc gia, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, hiệu quả và hiệu quả sử dụng nguồn lực công.

Trước tình hình hiện nay, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi mạnh mẽ khu vực và thế giới, tác động đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đòi hỏi một mô hình, cách thức thực hiện kiểm toán đảm bảo giải quyết các rủi ro bất ngờ có thể ảnh hưởng đến công tác kiểm toán.

Bên cạnh những bước tiến lớn trong việc phát triển năng lực kiểm toán chuyên nghiệp, khuôn khổ hợp tác ba bên còn góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa 3 nước trên các lĩnh vực và có tính chiến lược.

Đồng thời, mối quan hệ giữa 3 cơ quan KTNN ngày càng được củng cố và phát triển thông qua việc trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao năng lực nghiệp vụ kiểm toán nhằm hỗ trợ công tác quản lý tài chính công của mỗi Chính phủ minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả cao.

Bà có sáng kiến và đề xuất gì để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa 3 cơ quan KTNN Campuchia - Lào - Việt Nam ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn?

Tôi nghĩ rằng, thông qua các Hội nghị ba bên, 3 cơ quan chúng ta đã thống nhất các hoạt động sau: Tổ chức hội thảo, đào tạo cán bộ nghiệp vụ của 3 cơ quan KTNN; tổ chức Hội nghị chuyên đề về các chủ đề cụ thể phù hợp với Hội nghị ba bên; tổ chức các Hội nghị ba bên định kỳ 2 năm/lần về các chủ đề cụ thể với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của mỗi cơ quan.

Để triển khai các hoạt động đã thống nhất hiệu quả và cụ thể hơn trong thời gian tới, tôi đề nghị mỗi cơ quan có một Ban Thư ký để tiếp tục trao đổi nhằm tổ chức triển khai các công việc một cách chi tiết, phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của từng cơ quan.

Đồng thời, hợp tác trong khuôn khổ ba bên này phải tiếp tục được triển khai thông qua việc tiếp tục tổ chức hội thảo, đào tạo cán bộ nghiệp vụ của 3 cơ quan; tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các chủ đề đã thống nhất thông qua việc tổ chức các Hội nghị chuyên đề.

Cùng với đó, tiếp tục hợp tác để giải quyết các thách thức và tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, hiệu quả và hiệu suất sử dụng nguồn lực công cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc tổ chức các Hội nghị ba bên hai năm một lần và đặt ra các chủ đề phù hợp cho mỗi Hội nghị ba bên.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Cùng chuyên mục
Năng lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan Kiểm toán nhà nước không ngừng được nâng cao