Nếu không cho KTNN vào kiểm toán toàn bộ quá trình thu thuế, phí, lệ phí thì đất nước này sẽ thất thoát rất nhiều tài sản

(BKTO) - Tăng cường thoái vốn, tái cơ cấu DNNN; hoàn thiện lỗ hổng thể chế, tránh thất thoát trong cổ phần hóa DN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán thuế, phí… là những đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 27/10, nhằm khắc phục những "vết nhám" của nền kinh tế.



Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về các báo cáo kinh tế- xã hội và các báo cáo đánh giá giữa kỳ sáng 27/10, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)nhận xét: Nền kinh tế như một bức tranh đẹp nhưng vẫn có những "vết nhám".

Theo đại biểu “vết nhám” đầu tiên như báo cáo của Chính phủ nêu là chính sách hỗ trợ DN còn thiếu minh bạch, chưa bảo đảm công bằng, chính sách hỗ trợ DN tư nhân còn vướng mắc, đặc biệt là thiếu nguồn lực và nhiều thủ tục, rào cản với DN.

Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đặt ra yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, nâng cao thực chất trình độ quản lý, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, thực tiễn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN còn chậm. Năm 2018 mới cổ phần hóa được 10/85 DN, đặc biệt 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ cũng đã có Ban chỉ đạo nhưng vẫn “dẫm chân tại chỗ”.

Nêu thực trạng của một số dự án, đại biểu Nhưỡng đề nghị tất cả các dự án không thực hiện được đề nghị phải cho phá sản. Còn dự án nào cổ phần hóa được, thoái vốn được, bán, cho thuê được thì đề nghị phải làm ngay, tránh tình trạng thất thoát DNNN. “Có dư luận cho rằng, có hiện tượng để đó để giảm bớt khấu hao bằng các khấu hao vô hình và hữu hình thì người ta sẽ mua rẻ lại các tài sản này của Nhà nước. Chỉ Nhà nước, DN và người dân thiệt nên đề nghị phải xem xét lại”- đại biểu Nhưỡng nói. Đồng thời, đại biểu cảnh báo và đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ "hiện tượng cài cắm một số nhân cốt vào DN để thôn tính".

Đại biểu Nhưỡng cũng đề nghị phải hoàn thiện ngay thể chế để bịt lỗ hổng, đặc biệt là lỗ hổng cổ phần hóa để tránh thất thoát tài sản nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm toán kiểm tra.

Nghiên cứu Luật KTNN tôi thấy, nếu không cho KTNN vào kiểm toán toàn bộ quá trình thu thuế, thu phí, lệ phí thì đất nước này sẽ thất thoát rất nhiều tài sản. Đề nghị phải tăng cường công tác kiểm toán thanh tra- đại biểu đề xuất.
                
   

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thảo luận tại hôi trường sáng 27/10- Ảnh: quochoi.vn

   
Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, cơ cấu lại DNNN là chủ trương đúng đắn góp phần tăng nguồn lực ngân sách. Năm 2018, cơ cấu DNNN đã thực chất hơn, tập trung thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động nhưng đến nay tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN vẫn chậm và chưa đạt hiệu quả kế hoạch đề ra.

“Tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân việc không hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn theo lộ trình, do các Bộ, ngành, địa phương hay do người quản lý của các DN sợ mất quyền lợi, lợi ích, hay mắc về cơ chế, thị trường. Đồng thời cần đánh giá quản lý sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại các DN; đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hóa và thoái vốn DNNN theo đúng chỉ đạo”- đại biểu Hùng nói.

Đề cập đến thực trạng chấp hành pháp luật về thuế, tình trạng thất thu thuế, đại biểu Hoàng Văn Hùng cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm, trong khi đó, cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các DN nộp thuế, có nghĩa còn khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra phát hiện, nên việc trốn thuế đã làm thất thu lớn NSNN.

Đại biểu Hùng dẫn chứng: Qua hoạt động kiểm toán 5 năm 2013- 2017 và 9 tháng năm 2018, KTNN đã kiến nghị nộp NSNN 54.888 tỷ đồng. Năm 2017, qua đối chiếu 2.479 DN ngoài quốc doanh tại 47 tỉnh, thành phố, KTNN phát hiện 2.344 trường hợp sai phạm, tương đương 94% và kiến nghị thu nộp, tăng thêm 1.352 tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm 2018, đối chiếu thuế tại 2.605 DN ngoài quốc doanh tại 41 tỉnh, thành phố, kiến nghị nộp NSNN 1.769 tỷ đồng tương đương 95% trường hợp có sai phạm. Về nợ đọng thuế, đến 31/8/2018, số nợ thuế nội địa là 82,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với thời điểm 31/12/2017. Có tới 60/63 địa phương nợ đọng thuế, 26/60 địa phương còn có số nợ trên 100 tỷ đồng.

“Với số liệu nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt trong việc chấp hành pháp luật về thuế, gắn trách nhiệm cơ quan thu trong việc thực hiện nhiệm vụ, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế ở địa phương, DN, đảm bảo thu đúng, thu đủ cho NSNN”- đại biểu Hùng kiến nghị.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
Nếu không cho KTNN vào kiểm toán toàn bộ quá trình thu thuế, phí, lệ phí thì đất nước này sẽ thất thoát rất nhiều tài sản