Ngăn chặn, hạn chế ảnh hưởng bất lợi của chuyển giá thông qua hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Gian lận chuyển giá trong đầu tư FDI ngày một tinh vi, đa dạng, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến quan hệ chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng. Thực trạng này đòi hỏi KTNN cần phải nâng cao vai trò trong việc ngăn chặn, hạn chế những ảnh hưởng bất lợi của hoạt động chuyển giá.




KTNN cần nâng cao vai trò trong việc ngăn chặn, hạn chế những ảnh hưởng bất lợi của hoạt động chuyển giá. Ảnh: Như Ý

Hành vi chuyển giá ngày càng đa dạng, tinh vi

Thực tế, đối tượng tác động để thực hiện hành vi chuyển giá khá đa dạng, cụ thể như sau: Gian lận chuyển giá thông qua hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, hoạt động tư vấn, chuyên gia giữa các bên liên kết. Đây là hình thức phổ biến, truyền thống, được thực hiện bởi nhiều thủ thuật tinh vi nhằm giảm thiểu nghĩa vụ tính thuế cho từng DN cũng như cả tập đoàn, công ty xuyên quốc gia hoặc nhóm công ty có mối quan hệ liên kết. Kết quả kiểm toán của KTNN đã chỉ rõ, thông qua việc thực hiện giá giao dịch không theo giá thị trường mà áp giá theo hướng điều tiết nhằm trục lợi hoặc có dấu hiệu không minh bạch. Việc điều tiết giá có thể thông qua các giao dịch hợp đồng cung ứng hàng hóa dịch vụ, áp dụng chính sách hỗ trợ, trợ cấp hoặc điều tiết nội bộ bằng mệnh lệnh hành chính. Nhiều trường hợp chuyển giá đã được các đối tượng tính toán kỹ lưỡng và tinh vi, phải có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực mới có thể có đủ bằng chứng để kết luận.

Bên cạnh đó, gian lận định giá chuyển giao không theo giá thị trường mà tính cao hơn, thấp hơn giá thị trường; gian lận trong việc ẩn lận yếu tố giá - phí thông qua các hình thức khác nhằm trục lợi, trốn thuế, cạnh tranh... Điều này thể hiện rõ qua những hành vi:

Tập đoàn, công ty xuyên quốc gia, nhóm công ty bỏ vốn đầu tư để tìm kiếm, phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu và khoản vốn này được xem như một khoản chi phí. Các đối tượng này còn sử dụng hình thức hỗ trợ DN FDI thông qua một số chính sách đặc thù để cạnh tranh không lành mạnh khiến các DN trong nước đang sản xuất kinh doanh mặt hàng cùng loại gặp nhiều khó khăn.

Công ty mẹ có vốn FDI thỏa thuận với DN liên kết tại Việt Nam thông qua áp dụng mức lãi suất cho vay trong khi các DN này không có nhu cầu huy động vốn hoặc sử dụng mức lãi suất cao/thấp để điều tiết lợi nhuận. DN FDI lợi dụng góp vốn vào DN trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Một số trường hợp còn biến tướng dưới các hình thức ký hợp đồng gia công nhằm đầu tư “chui” và trục lợi, trốn thuế; tìm cách gian lận về xuất xứ để tránh áp giá tính thuế, trốn nghĩa vụ thuế theo các hiệp định thương mại hoặc quan hệ đối tác thương mại giữa quốc gia có vốn FDI và các quốc gia thứ ba.

Ngoài ra, còn những tình huống khác như: bố trí lao động nước ngoài làm việc tại DN FDI để giảm áp lực về thất nghiệp trong nước có vốn đầu tư; đầu tư và mượn danh các DN trong nước để thuê đất, mặt nước không đúng đối tượng…

Tích cực kiểm toán để phòng, chống gian lận chuyển giá

Với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, Luật KTNN, Luật NSNN và các quy định pháp luật khác, KTNN cần tham gia tích cực vào cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa và phòng, chống gian lận chuyển giá.

Thứ nhất, kiểm toán trực tiếp các cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý hoạt động liên quan đến đầu tư vốn FDI, cơ quan thuế, các DN cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư FDI.

Để kiểm toán gian lận chuyển giá, gian lận thương mại, trục lợi trong đầu tư FDI đạt hiệu quả, KTNN phải phân tích, đánh giá nhóm vấn đề, nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ phát sinh gian lận nhằm xác định mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán thích hợp. Việc lựa chọn phải dựa trên cơ sở xác định các mối quan hệ liên kết, nhóm hoạt động có thể diễn ra các nguy cơ; thu thập bằng chứng về các hiện tượng, dấu hiệu vi phạm để tiến hành các thủ tục kiểm toán, nghiệp vụ chuyên môn cụ thể, sát đúng.

Tùy thuộc kết quả kiểm toán, KTNN sẽ: đánh giá, xác nhận, kết luận về các sai phạm, từ đó kiến nghị truy thu thuế ẩn lậu, xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm, thậm chí kiến nghị truy cứu trách nhiệm nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự đối với các tập thể, cá nhân có liên quan; phân tích, đánh giá, chỉ rõ những nguy cơ có thể xảy ra về gian lận chuyển giá, gian lận trục lợi để cảnh báo cơ quan quản lý, đơn vị được kiểm toán có các giải pháp phòng ngừa; phân tích, đánh giá những sai phạm, gian lận hoặc dấu hiệu gian lận để kiến nghị đơn vị được kiểm toán khắc phục, chấn chỉnh và/hoặc yêu cầu đề ra các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do gian lận chuyển giá, trục lợi gây ra; phát hiện những bất cập, lỗ hổng của chính sách, pháp luật về thu hút FDI và quản lý hoạt động liên kết, chuyển giá cũng như những sai sót trong văn bản hướng dẫn, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước để kiến nghị sửa chữa, khắc phục.

Thứ hai, khi kiểm toán các cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quản lý điều hành, triển khai các giải pháp thu hút FDI, KTNN cần xem xét, phân tích, đánh giá kết quả tham mưu ban hành chính sách thu hút vốn đầu tư FDI trên quan điểm thu hút FDI là quan trọng, cần nhưng phải thực hiện đúng đắn, không vì nhu cầu vốn mà thu hút bằng mọi giá; phân tích, đánh giá toàn diện các khía cạnh để kiến nghị các cơ quan tham mưu thận trọng trong tham mưu ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn cho hoạt động trong nước và cả trong thực hiện các chính sách đối ngoại, hợp tác quốc tế; chỉ ra những hạn chế và kiến nghị nâng cao vai trò quản lý, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành.

Thứ ba, kiến nghị cơ chế phối hợp để phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi gian lận chuyển giá, gian lận thương mại. Việc kiến nghị cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng cần được KTNN nghiên cứu, thể chế hóa thành văn bản hướng dẫn hay thực hiện ký kết các quy chế phối hợp giữa các bên hoặc nhiều bên.

Thứ tư, cung cấp thông tin cho cơ quan đại biểu dân cử về những khoảng trống pháp luật; khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong thực tiễn quản lý; rủi ro tiềm ẩn trong thu hút FDI liên quan đến gian lận chuyển giá để hỗ trợ cho việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát của cơ quan đại biểu dân cử.

(Lược ghi tham luận của ThS. LÊ MINH NAM - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - tại Hội thảo: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của KTNN”)
Cùng chuyên mục
Ngăn chặn, hạn chế ảnh hưởng bất lợi của chuyển giá thông qua hoạt động kiểm toán