Nhận diện thách thức, xây dựng kịch bản ứng phó để duy trì tăng trưởng kinh tế trong năm 2023

(BKTO) - Theo các chuyên gia, năm 2023, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Chính phủ cần có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để đảm bảo phục hồi vững chắc nền kinh tế, từ đó tạo bước phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Kinh tế phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ

Ngày 17/12, tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.

dd(1).jpg
Quang cảnh Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5. Ảnh: D.THIỆN

Phát biểu tại Phiên toàn thể cấp cao, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, thế giới đang đứng trước những thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều. Trong bối cảnh đó, năm 2022, kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.

Theo đó, sau 2 năm 2020-2021 tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện; các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng.

Cụ thể, năm 2022, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu tăng hơn 13,4% so với cùng kỳ năm trước, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6%; tiêu dùng trong nước tăng mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng tới 17,5%. Mặt khác, tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước…

“Những chỉ số trên cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới” - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.

Cũng đánh giá tích cực về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2022, ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam chia sẻ, phần lớn các lĩnh vực của nền kinh tế đã phục hồi giúp nền kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng tích cực.

Trong nửa đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ đạt khoảng 6,5%. Tuy nhiên, đến quý III, nền kinh tế đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng ở mức hơn 13%, đưa tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm đạt 8,83%. “Từ những tín hiệu tích cực đó, ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 7,5%, thậm chí có thể đạt 8%” - ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.

Đồng bộ giải pháp ứng phó với những khó khăn, thách thức trong năm 2023

Chia sẻ tại Diễn đàn, hầu hết các ý kiến chuyên gia đều đánh giá, bước sang năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; tăng trưởng của nhiều nền kinh tế vẫn tiếp tục bị chậm lại và có nguy cơ suy thoái… Điều này sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022. Cùng với đó, lạm phát được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao trên toàn cầu; các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, duy trì việc tăng lãi suất. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia sẽ giảm mạnh, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế như Anh, Mỹ, Đức, Italia...

Đặc biệt, nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải nhận diện đầy đủ nguy cơ, rủi ro; theo dõi, đánh giá kịp thời các tác động để có giải pháp kịp thời, phù hợp, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Để thực hiện được việc này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trước hết cần tập trung ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, đây là tiền đề để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, người lao động.

Song song với đó, cần kiểm soát chặt chẽ lạm phát trong điều kiện áp lực lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tiếp tục tăng rất cao. Đồng thời, cần điều hành các chính sách thích ứng với điều kiện hội nhập, linh hoạt trong ngoại giao, tránh để các nước áp dụng biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, cần xử lý dứt điểm các yếu kém, điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; giải ngân vốn đầu tư công…

Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, một trong những giải pháp, định hướng chính trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tới là phải lấy đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.

Trong đó, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất. Hệ thống pháp luật phải thực sự tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công…

Song song với đó, các Bộ, ngành chức năng cần chủ động, tích cực rà soát, nghiên cứu việc sửa đổi các dự án luật, pháp lệnh, nghị định, nhất là các dự án luật có vai trò quan trọng để cơ bản xử lý các vướng mắc, khó khăn và tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu...

Từ góc nhìn quốc tế, ông Andrew Jeffries đưa thêm khuyến nghị, trong bối cảnh lạm phát trên thế giới tăng cao, các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt để giảm áp lực về tỷ giá; tăng cường các cơ chế, chính sách để giám sát, kiểm soát rủi ro nợ xấu của hệ thống các ngân hàng thương mại nhằm giữ vững lòng tin của người dân, các nhà đầu tư vào thị trường tài chính; thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội phục vụ phát triển kinh tế đất nước…/.

Cùng chuyên mục
Nhận diện thách thức, xây dựng kịch bản ứng phó để duy trì tăng trưởng kinh tế trong năm 2023