Nhiều “điểm sáng” trong sản xuất công nghiệp năm 2023

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp cả nước đã vươn lên xuất hiện nhiều điểm sáng và hứa hẹn tăng trưởng cao trong 2024.

Tăng trưởng khả quan ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, năm 2023, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,84%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (tăng 7,8%).

Chỉ số IIP tăng ở 50 địa phương trên cả nước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực (chỉ số IIP tháng 11 so với tháng trước của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,9%; Bình Dương tăng 6,3%; Vĩnh Phúc tăng 5,6%; Vĩnh Long tăng 4,2%; Quảng Ninh và TP.Hồ Chí Minh cùng tăng 3,8%...).

cong-nghiep-che-bien.jpg
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,1% trong năm 2023. Ảnh minh họa 

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, năm 2023, mặc dù vẫn còn khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng. Một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng năm 2023 tăng 1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,7%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,8%; khai thác quặng kim loại tăng 11,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 10,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,2%; dệt tăng 5,9%.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu cụ thể, chỉ số IIP mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới chỉ bắt đầu phục hồi từ cuối quý III, đầu quý IV (so với cùng kỳ năm trước, IIP bắt đầu tăng sau 9 tháng), IIP toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng khoảng 2,84%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Công nghiệp năng lượng tăng trưởng khá 

Một số ngành như dầu khí, than khoáng sản, điện tăng trưởng khá. Cụ thể, với ngành dầu khí, 11 tháng năm 2023, các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều ước hoàn thành vượt mức từ 2 - 26% kế hoạch sản lượng 11 tháng. Theo đó, PVN đã nỗ lực bám sát các nhiệm vụ mục tiêu và kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu ước thực hiện 11 tháng năm 2023 đạt 16,55 triệu tấn quy đổi, vượt 12% so với kế hoạch 11 tháng và vượt 9% so với kế hoạch năm 2023; sản lượng xăng dầu 11 tháng năm 2023 ước thực hiện đạt 6.696 nghìn tấn, vượt 39% so với kế hoạch 11 tháng và vượt 21% so với kế hoạch cả năm; sản lượng điện 11 tháng năm 2023 ước thực hiện đạt 13,61 tỷ kWh, bằng 99% so với kế hoạch 11 tháng và bằng 87% kế hoạch cả năm; sản lượng đạm ước thực hiện 11 tháng năm 2023 sản xuất đạt 1.608 nghìn tấn, vượt 6% so với kế hoạch 11 tháng và bằng 101% kế hoạch cả năm.

Đối với ngành than, các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ than đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022, nhất là chỉ tiêu về cấp than cho sản xuất điện (bằng 94,28% so với kế hoạch năm và bằng 116,55% so với cùng kỳ năm 2022).

Đối với ngành điện, theo ước tính, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện năm 2023 ước đạt 280,6 tỷ kWh, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 98,6% so với kế hoạch năm 2023 được duyệt.

nhiet-dien-nhon-trach(1).jpg
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 (huyện Nhơn Trạch - tỉnh Đồng Nai) đang được khẩn trương thi công lắp đặt. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Việc triển khai các giải pháp đồng bộ để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vận hành, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW), Vân Phong 1 (hoàn thành Tổ máy 1 - 716MW).

Việc cung ứng điện trong 11 tháng đầu năm 2023 về cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, trong một số thời điểm cuối mùa khô năm 2023, khu vực miền Bắc đối mặt với tình trạng thiếu điện cục bộ do thủy văn khô hạn bất thường, nắng nóng cực đoan, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, cùng với những bất cập, mất cân đối hệ thống và hạn chế, thiếu sót trong công tác điều hòa các nguồn điện. Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục bằng nhiều biện pháp trước mắt và lâu dài.

3 giải pháp giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp

Để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2024, với mục tiêu IIP tăng khoảng 7-8% so với năm 2023, Bộ Công Thương đưa ra những giải pháp cụ thể với từng ngành.

Đối với ngành dầu khí, tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở trong nước, nhất là ở những vùng nước sâu, xa bờ; bảo đảm tìm kiếm, thăm dò dầu khí đi trước một bước, nhằm gia tăng và đặt cơ sở trữ lượng dầu khí cho sự phát triển bền vững, lâu dài.

Với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị liên quan, sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện trong năm 2024 như: Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Đường dây 500kV NĐ Nam Định I - Phố Nối, Trạm biến áp 500 kV Bắc Ninh và đường dây đấu nối, Đường dây 500kV Thanh Hóa - Rẽ Nho Quan - Hà Tĩnh, Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa…; đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vào vận hành như Tổ máy 2 (714MW) - Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, các Nhà máy thủy điện: thủy điện Nậm Củm 4 (54 MW), Bản Mồng (45 MW), Ialy mở rộng (360 MW)... huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, sẽ khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như sửa đổi, bổ sung Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ… nhằm tạo cơ chế tháo gỡ các điểm nghẽn về thị trường, tín dụng. Thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp.

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng đưa ra 3 giải pháp cụ thể giúp phát triển công nghiệp trong năm 2024.

Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp – đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép...

Thứ hai, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Đặc biệt là các chính sách như: Sớm trình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn khoáng sản có giá trị lớn, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới.

Sớm hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2024 – 2025, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bền vững cho các hoạt động phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường.

Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa… để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.

Cùng chuyên mục
  • Xúc tiến thương mại, du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
    11 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội đã tổ chức Không gian triển lãm, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Kết nối cùng phát triển - “Link to Grow” diễn ra từ ngày 21-24/12/2023 tại phố đi bộ đường Trần Nhân Tông, Khu đô thị phía Nam, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
  • Đẩy mạnh kiểm kê khí nhà kính hướng đến giảm phát thải
    11 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Ngành xây dựng là một trong những lĩnh vực có phát thải lớn trong quá trình xây dựng, phát triển các dự án. Do đó, trong thời gian tới, ngành xây dựng sẽ đẩy mạnh kiểm kê khí nhà kính để hướng đến thực hiện giảm phát thải, góp phần hiện thực hóa cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
  • Quan tâm các yếu tố phát triển ổn định, thị trường vàng “nổi sóng”
    11 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (TBTCO) - Nhiều hoạt động liên quan thị trường tiền tệ tuần theo hướng tập trung vào sự phát triển ổn định, lâu dài, trong đó có chỉ đạo của Thủ tướng về thí điểm chấm điểm khả tín. Trong khi đó, các chuyên gia ngân hàng cũng có những bàn thảo về tín dụng xanh, các hoạt động phòng chống rửa tiền... Ngoài ra, một trong những động thái nổi bật là diễn biến nổi sóng của giá vàng trong nước với kỷ lục mới về giá đã được thiết lập.
  • Đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng
    11 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.
  • Thành phố Hồ Chí Minh quy tụ nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền
    11 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các sở, ngành, đơn vị xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố tổ chức Chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023”.
Nhiều “điểm sáng” trong sản xuất công nghiệp năm 2023