Nhiều triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Séc

(BKTO) - Trong những năm gần đây quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Séc có những bước phát triển rất tích cực. Tuy nhiên, hợp tác thương mại giữa hai nước còn rất khiêm tốn, đòi hỏi cả hai bên cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới nhằm tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Séc” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Đại sứ quán Séc tại Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp Cộng hòa Séc tổ chức vào chiều 21/02, tại Hà Nội.

20230221_140416.jpg
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: D.THIỆN

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm gần đây quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nói chung, Séc nói riêng có những bước phát triển rất tích cực.

Theo đó, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song trong 2 năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Séc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Séc đạt hơn 828 triệu USD, tăng 12,65% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc đạt hơn 668 triệu USD, tăng 14,58%; nhập khẩu từ Séc vào Việt Nam đạt 160 triệu USD, tăng 5,2% so với năm 2021.

Về đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2022, Séc có 41 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 92,39 triệu USD, đứng thứ 49 trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Các dự án của Séc tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực như: khai khoáng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản với quy mô vừa và nhỏ.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam có 4 dự án đầu tư sang Séc với tổng vốn đầu tư là 4,44 triệu USD, chủ yếu tập trung vào hình thức liên doanh.

“Séc đã luôn coi trọng mối quan hệ với Việt Nam, đưa Việt Nam - quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á vào danh sách 12 thị trường chủ chốt, ưu tiên về ngoại thương như đã công bố trong Chiến lược xuất khẩu của Séc trong những năm qua. Séc cũng là một trong những nước EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU và cũng đang hỗ trợ thúc đẩy để 15 nước EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định này. Vì thế, hiện nay, Việt Nam cũng đang ngày càng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Séc nói riêng” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Cũng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam - Séc trong thời gian qua, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá hợp tác thương mại giữa hai nước còn rất khiêm tốn, đòi hỏi cả hai bên cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới nhằm tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống hơn 70 năm qua.

img-7665.jpg
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu. Ảnh: D.THIỆN

Chia sẻ cụ thể, ông Hải cho biết, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Séc khai thác. Bởi Việt Nam là quốc gia thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN với trên 600 triệu dân và nằm ở khu vực được đánh giá là năng động, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới, quy mô GDP 2.800 tỷ USD.

Đặc biệt, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Theo đó, Việt Nam đã mở rộng quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục - đào tạo… với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cùng với đó, đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, đang đàm phán 2 FTA khác. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia và ký kết FTA với 17/20 đối tác trong Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và 7/7 đối tác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

“Trong quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với 55 nền kinh tế, hơn 90% dòng thuế sẽ có lộ trình cắt giảm về 0%. Đây được xem là lợi thế rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam” - ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã thiết lập cơ sở sản xuất trọng yếu tại Việt Nam và từ đó tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh cho khu vực và trên thế giới. Sự hiện diện của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia và hàng nghìn doanh nghiệp nước ngoài khác là minh chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

“Tôi kêu gọi các doanh nghiệp Séc hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Việt Nam cam kết ủng hộ và tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ kinh doanh, thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Séc phù hợp với luật pháp và chủ trương mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ Việt Nam” - ông Hải khẳng định.

Về phía Séc, ông Jozef Sikela - Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhất ở khu vực Đông Nam Á, với nhiều cơ hội đầu tư tuyệt vời. Do đó, doanh nghiệp hai nước cần cùng nhau tìm kiếm những cách thức để tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế, kết nối với nhau.

Ông Jaroslav Hanak - Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Cộng hòa Séc chia sẻ thêm, Séc muốn khai thác tiềm năng của Việt Nam một cách đầy đủ hơn. Đặc biệt, Séc coi Việt Nam không chỉ là thị trường xuất khẩu mà còn là đối tác mà Séc muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị.

“Lợi thế của các doanh nghiệp Séc là dễ dàng thích ứng với văn hoá, lịch sử của từng quốc gia. Bên cạnh đó, họ còn có thế mạnh là có những sự hỗ trợ về tài chính, tín dụng, bảo hiểm của Nhà nước. Đến Việt Nam lần này, các doanh nghiệp Séc trong các lĩnh vực như hàng không, dịch vụ, công nghiệp rất mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam” - ông Jaroslav Hanak cho hay.

Tại Diễn đàn, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã trao chứng chỉ nhà cung cấp dịch vụ cho Trường đào tạo bay F AIR (Cộng hòa Séc); Trung tâm huấn luyện bay của Vietnam Airlines và Công ty cổ phần đào tạo Bay Việt đã lần lượt ký Thoả thuận hợp tác với Trường đào tạo bay F AIR.

Cùng chuyên mục
  • Cơ quan Phát triển Pháp hỗ trợ EVN trong quá trình chuyển dịch năng lượng
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới tổ chức vào tháng 6/2023, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Rémy Rioux đã có cuộc họp cấp cao với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
  • Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của EVN
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) vừa làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về vấn đề đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện, lưới điện; tình hình cân đối tài chính của EVN năm 2022-2023 và xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.
  • Nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy hợp tác kinh tế
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Hai nước Việt Nam và Nhật Bản còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác về kinh tế. Do đó, trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần tiếp tục tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
  • PVN nỗ lực ổn định nhịp độ sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng nhận định, trên nền kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 rất cao, việc thực hiện đạt kế hoạch tăng trưởng năm 2023 đã đề ra là một thách thức, áp lực rất lớn. Vì vậy, PVN phải nỗ lực quản trị rủi ro ngay từ đầu năm để hoàn thành các mục tiêu quản trị, kế hoạch đặt ra.
  • PVN ra mắt sách Nhật ký CEO Meetings
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa tổ chức ra mắt sách “Nhật ký CEO Meetings” - gồm những ghi chép của nhiều tác giả về các cuộc họp CEO Meetings của PVN, cũng là hành trình vượt qua khó khăn, những bài học kinh nghiệm và những quyết sách đúng đắn giúp PVN vận hành, phát triển ổn định.
Nhiều triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Séc