Nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy hợp tác kinh tế

(BKTO) - Hai nước Việt Nam và Nhật Bản còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác về kinh tế. Do đó, trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần tiếp tục tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Đây là nội dung được trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2023 với chủ đề “Cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững”. Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tổ chức ngày 15/02.

20230215_110333.jpg
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: D.THIỆN

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, trải qua chặng đường 50 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (23/9/1973), đến nay, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển khá nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả rất tích cực. 

Cụ thể, về đầu tư, Nhật Bản hiện nằm trong Top 3 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 4.835 dự án và tổng vốn đầu tư đạt hơn 64 tỷ USD. Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD.

“Với tầm nhìn tương lai 30-50 năm tới, hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản còn tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Đặc biệt, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục khoảng 6% - 7% mỗi năm, đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hợp tác đầu tư, kinh doanh cùng phát triển” - ông Công nhấn mạnh.

Về phía Nhật Bản, ông Yamada Takio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, trong những năm qua, hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam diễn ra rất sôi nổi. Hiện Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ với tư cách là quốc gia có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Đặc biệt, theo một kết quả khảo sát gần đây đối với các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, có 60% doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong khoảng 2 năm tới. Điều này cho thấy, Việt Nam đang là một điểm sáng thu hút sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.

“Năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, chúng tôi mong muốn đây là năm đặt nền móng cho những bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai nước, hướng tới tương lai” - Đại sứ Yamada Takio bày tỏ kỳ vọng và cho biết thêm “đang có 1 luồng gió xuôi chiều rất thuận lợi thổi vào quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Nhật Bản”.

Chia sẻ thêm, ông Yoshihisa Suzuki - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản - Mekong cho biết, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp Nhật Bản rất yên tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh những rủi ro địa chính trị trên thế giới gia tăng gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lại càng quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam và lựa chọn Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất.

Bên cạnh đó, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, trong đó tỷ lệ người trẻ cao, Việt Nam cũng đang trở thành quốc gia rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản để mở rộng ngành dịch vụ và khởi nghiệp…

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tăng cường kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Phạm Tấn Công cho biết, trong thời gian tới, với vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam và Nhật Bản; cũng như cam kết tăng cường hơn nữa vai trò “cầu nối” của VCCI, đổi mới cách thức triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp hai nước phát triển bền vững./.

Cùng chuyên mục
  • PVN nỗ lực ổn định nhịp độ sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng nhận định, trên nền kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 rất cao, việc thực hiện đạt kế hoạch tăng trưởng năm 2023 đã đề ra là một thách thức, áp lực rất lớn. Vì vậy, PVN phải nỗ lực quản trị rủi ro ngay từ đầu năm để hoàn thành các mục tiêu quản trị, kế hoạch đặt ra.
  • PVN ra mắt sách Nhật ký CEO Meetings
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa tổ chức ra mắt sách “Nhật ký CEO Meetings” - gồm những ghi chép của nhiều tác giả về các cuộc họp CEO Meetings của PVN, cũng là hành trình vượt qua khó khăn, những bài học kinh nghiệm và những quyết sách đúng đắn giúp PVN vận hành, phát triển ổn định.
  • EVN ký hợp đồng tín dụng 2.400 tỷ đồng cho Dự án Thủy điện Ialy mở rộng với Agribank
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa ký Hợp đồng tín dụng tài trợ trị giá 2.400 tỷ đồng cho Dự án Nhà máy Thuỷ điện Ialy mở rộng.
  • Tạo cơ hội để kinh tế tập thể, hợp tác xã khẳng định vai trò nòng cốt, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế
    một năm trước Doanh nghiệp
    Là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) đã nỗ lực vượt khó, từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh và có đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi của nền kinh tế. Cũng trong năm qua, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT được ban hành, đặt ra yêu cầu phát triển KTTT trong giai đoạn mới. Nhân dịp Xuân mới, Báo Kiểm toán đã có trao đổi với Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo.
  • Những cơ hội và thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Qua đánh giá thực tiễn và dự báo triển vọng năm 2023, các chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ 5 cơ hội và 4 thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đồng thời phân tích những giải pháp giúp DN tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức và nhanh chóng nắm bắt, đón đầu những xu hướng kinh doanh mới.
Nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy hợp tác kinh tế