Nỗ lực gỡ “thẻ vàng”, mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho thủy sản

(BKTO) - Với quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho thủy sản, Chính phủ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung giải quyết nhiệm vụ quan trọng này để mở rộng cánh cửa xuất khẩu thủy sản. Đây cũng là cơ hội cuối cùng để gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam khi tháng 5/2024, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang để kiểm tra lần cuối, trước khi đưa ra quyết định về vấn đề này.

14.jpg
Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU. Ảnh minh họa

Có chuyển biến, nhưng chưa triệt để

Liên tục từ đầu năm 2024 đến nay, đặc biệt là những ngày đầu tháng 4 này, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc với các địa phương trọng điểm về công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đây là một trong những hoạt động trong kế hoạch rà soát để chuẩn bị báo cáo, phục vụ cho công tác giám sát của EC, từ đó thúc đẩy việc gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) - cho biết, sau hơn 6 năm chống khai thác IUU (từ ngày 23/10/2017 đến nay), các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách vẫn chưa bảo đảm tiến độ, trong đó, tính từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC đến nay, vẫn còn 17 tàu/190 ngư dân bị các nước bắt giữ.

Chống khai thác IUU chính là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam thay đổi, tuy nhiên phải thống nhất trong nhận thức, không làm kiểu đối phó. Chúng ta hành động không chỉ vì IUU mà còn vì nguồn lợi biển bền vững của Việt Nam, cho thế hệ hôm nay và tương lai.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan

Là một trong những địa phương từng “nóng” với tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan, đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc rà soát và cập nhật 100% số tàu cá đăng ký vào cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện việc đăng kiểm cho 2.341/2.734 tàu cá, lắp thiết bị giám sát hành trình cho 96,82% tàu cá và cấp phép khai thác thủy sản cho 96,09% tàu cá. “Từ tháng 8/2022 đến nay, tỉnh không có tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ” - đại diện Sở cho biết; song cũng lưu ý việc kiểm soát tàu cá vẫn còn nhiều thách thức.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Định, dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng công tác chống khai thác IUU vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ vẫn chưa chấm dứt hẳn, mặc dù Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt, các ngành, các cấp, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, xử lý, nhưng vì lợi ích kinh tế mà chủ tàu, thuyền trưởng đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Theo ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, nguyên nhân là do công tác quản lý tàu cá hoạt động vùng lộng ngoài tỉnh (tàu cá dưới 15m) chưa thực sự hiệu quả, các tàu này không quy định phải trang bị giám sát hành trình…

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết, sự thiếu đồng đều trong kết quả thực hiện chống khai thác IUU cho thấy, để chấm dứt tình trạng vi phạm đòi hỏi những nỗ lực hơn nữa của các ngành, các địa phương. Bởi đây là điều kiện tiên quyết để thủy sản Việt Nam có thể tiến sâu vào thị trường thế giới, cũng như ngăn chặn kịp thời các rủi ro đối với xuất khẩu ngành hàng chủ lực này.

Tháng cao điểm về chống khai thác IUU

Nói về sự cấp thiết phải gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, bản chất 3 hành vi IUU là: Khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không đúng quy định đã nằm trong Luật Thủy sản năm 2017. Việc EC áp đặt thẻ vàng là để quản lý triệt để, tạo sự công bằng giữa các quốc gia, doanh nghiệp khi đưa thủy sản vào thị trường châu Âu.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc chấp hành tốt IUU là điều rất tốt cho Việt Nam, giúp vùng biển nước ta đảm bảo nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học… Để làm được điều này, các địa phương phải “tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát tàu cá, đặc biệt là từ nay đến khi đoàn thanh tra EC đến kiểm tra lần thứ 5 vào tháng 5/2024” - Bộ trưởng Hoan đề nghị.

Cùng với sự quyết liệt vào cuộc trong thực thi pháp luật của các cơ quan, Bộ NNPTNT cũng tham mưu Chính phủ hoàn thiện quy định về công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2017/NQ-CP, trong đó quy định rõ trách nhiệm quản lý, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá; quản lý việc lắp đặt đối với thiết bị giám sát tàu cá…

PGS,TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam - cho rằng, gỡ “thẻ vàng” thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt. Tuy nhiên, tại đợt kiểm tra cuối năm 2023 của EC cho thấy, vẫn còn những hạn chế trong thực thi IUU. Để đảm bảo hiệu quả lâu dài, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân về khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững.

Ngoài các biện pháp tăng cường quản lý, chấn chỉnh tình trạng khai thác trái phép, các chuyên gia đề xuất, cần thiết phải có các giải pháp căn cơ để phát triển ngành thủy sản bền vững, đảm bảo sinh kế của người dân. Theo đó, Bộ NNPTNT cần xây dựng phương án khai thác thủy sản bền vững, trong đó tính đến khả năng cấm biển để bảo vệ, tái tạo ngư trường. Trong thẩm quyền, các địa phương cần hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi nghề cho ngư dân; tập trung tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nghề, tăng cường nuôi trồng thủy sản, giảm đánh bắt./.

Cùng chuyên mục
  • Doanh nghiệp tìm cách xoay xở trước áp lực tỷ giá
    12 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Những tháng đầu năm nay, tỷ giá biến động mạnh khiến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng. Điều này đòi hỏi DN cần chủ động hơn trong việc đề ra các giải pháp linh hoạt để ứng phó, từ đó hạn chế những tác động bất lợi từ biến động tỷ giá lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
  • Tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể
    12 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu phải tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
  • Lãng phí tài sản công
    12 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Tổng kiểm kê tài sản công nhằm thống kê tài sản công, làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đây cũng là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công.
  • Đề xuất ưu tiên nâng cấp 5 tuyến cao tốc
    12 ngày trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh cần khoảng 494.592 tỷ đồng ngân sách. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên trước mắt, Bộ đề xuất ưu tiên hơn 55.000 tỷ đồng cho 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách để nâng cấp lên quy mô 4-6 làn xe.
  • Hải Phòng huy động tối đa phương tiện phục vụ khách du lịch an toàn, thuận tiện
    12 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Tại các tuyến đường thủy ra đảo Cát Bà, dự kiến Hải Phòng có thể đảm bảo phục vụ 5.000 hành khách/ngày bình thường. Cao điểm có thể huy động các tàu quay vòng nhanh, tăng chuyến không hạn chế nhằm giải tỏa hết hành khách (dự kiến lượng hành khách tối đa khoảng 5.500 hành khách/ngày)...
Nỗ lực gỡ “thẻ vàng”, mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho thủy sản