Nỗ lực hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023.

3.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghị quyết nêu rõ: Trong tháng 9 và quý IV/2023, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn, nhất là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nỗ lực phấn đấu để hoàn thành đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung:

Theo dõi chặt chẽ giá cả, đẩy nhanh tiến độ các công trình quan trọng

Tập trung phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ, yếu tố gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.

Chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, cụ thể gắn với mức độ, thời điểm phù hợp điều chỉnh các mặt hàng Nhà nước quản lý; đồng thời, đánh giá kỹ tác động và có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.

Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ trọng điểm; công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch quốc gia, ngành quốc gia, vùng, tỉnh và triển khai quyết liệt các quy hoạch đã được phê duyệt.

Chỉ đạo tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Đề án 06, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa cải cách thủ tục hành chính với chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 và Thông báo số 238/TB-VPCP ngày 22/6/2023; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 30/10/2023.

Các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ căn cứ phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao, khẩn trương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập các sàn giao dịch về bất động sản (bao gồm quyền sử dụng đất), việc làm, khoa học công nghệ.

Đánh giá việc triển khai các chính sách miễn, giảm thuế

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ các nguồn thu; triệt để cắt giảm các khoản chi, nhất là chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách.

Tập trung thực hiện hiệu quả, đánh giá việc triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất trong thời gian qua, nhất là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%; trên cơ sở đó, chủ động nghiên cứu, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn cần áp dụng trong thời gian tới.

Khẩn trương đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH15 ngày 14/6/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Giám sát tình hình nợ xấu, đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.

Điều hành tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; khẩn trương hoàn thiện theo thẩm quyền các quy định, chính sách tín dụng, điều kiện cho vay với thủ tục thông thoáng, thuận tiện, khả thi, hợp lý hơn, tăng mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần hạn chế "tín dụng đen". Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; theo dõi việc triển khai thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh (nếu có).

Có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, báo cáo các cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2023. Giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2023 phương án xử lý Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn, không để chậm trễ hơn nữa.

Phối hợp với Bộ Công an trong việc sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 để có cơ chế, chính sách cho vay tín chấp phù hợp, góp phần hạn chế "tín dụng đen".

Ngoài ra, Nghị quyết còn nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành khác./.

Cùng chuyên mục
  • BHXH Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022
    8 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo về kết quả đánh giá, xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) năm 2022 của các cơ quan, địa phương trên địa bàn Thành phố.
  • ADB hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Ngân hàng Phát triển châu Á và Công ty TNHH GreenYellow Smart Solutions Việt Nam (GreenYellow) đã ký một hiệp định vay trị giá 13,8 triệu USD cho các hệ thống quang điện mặt trời áp mái nhằm giúp tăng nguồn cung năng lượng sạch với giá cả phù hợp cho các khách hàng kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam.
  • Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI lĩnh vực công nghệ cao
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ 01/7/2018 đến hết năm 2022, khi Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 có hiệu lực, cả nước có trên 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm cả hợp đồng sửa đổi, bổ sung. Con số này được đánh giá là khá ít ỏi so với tỷ lệ các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
  • Sơn La đẩy nhanh tiến độ đăng ký VssID
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) – Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Sốp Cộp, Sơn La đã trở thành đơn vị đầu tiên trong tỉnh hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ người dùng VssID - Ứng dụng BHXH số. Để đẩy nhanh tiến độ đăng ký VssID trên địa bàn, BHXH tỉnh Sơn La vừa ban hành công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ đăng ký, cài đặt và sử dụng ứng dụng này.
  • Xu hướng tỷ giá qua các dự báo về diễn biến xuất khẩu giai đoạn tới
    8 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (TBTCO) - Chuyên gia của VinaCapital vừa đưa ra dự báo rằng, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm sau. Với cục diện này, các chuyên gia tài chính đặt kỳ vọng áp lực tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng USD sẽ tiếp tục có diễn biến khá nhẹ nhàng trong giai đoạn tới và đây sẽ là yếu tố thuận lợi cho lãi suất trong nước có thể sẽ tiếp tục giảm thấp hơn.
Nỗ lực hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023