Nỗ lực nâng cao chất lượng kiểm toán

(BKTO) - Thực hiện kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2020-2022 tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, các đơn vị của Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhận định rằng, thành công của cuộc kiểm toán là nhờ nỗ lực rất lớn của toàn Ngành.

80f9ff1c28c2fe9ca7d3(1).jpg
Quang cảnh Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022 tại các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương diễn ra chiều 14/11, tại KTNN.
Ảnh: N.Lộc

Nhiều nỗ lực của đoàn kiểm toán, kiểm toán viên

Chia sẻ tại Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN giai đoạn 2020-2022 tại các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương, các đơn vị kiểm toán cho biết, lựa chọn chuyên đề kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN giai đoạn 2020-2022 (gọi chung là Chuyên đề kiểm toán KHCN) có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thông qua cuộc kiểm toán sẽ giúp đánh giá thực trạng kinh phí chi cho lĩnh vực KHCN, cũng như các bất cập trong cơ chế chính sách để có kiến nghị khắc phục kịp thời. 

Đối với công tác lập dự toán, KTNN đánh giá, tại Bộ KHCN - cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về KHCN cũng không có dữ liệu lập dự toán chi đầu phát triển cho KHCN của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương.

Tại các địa phương, hầu hết các địa phương số đề nghị quyết toán kinh phí đầu tư cho KHCN chưa đạt đến tỷ lệ 2% trên tổng chi ngân sách. 

Bên cạnh đó, công tác phân bổ, giao dự toán, thực hiện dự toán; thanh quyết toán kinh phí cho KHCN cũng tồn tại nhiều thiếu sót...

Xác định vai trò quan trọng của chuyên đề kiểm toán này, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, các đơn vị đã tích cực triển khai trên cơ sở kế hoạch, phương án kiểm toán được duyệt.

Chia sẻ kinh nghiệm trong vai trò đầu mối chủ trì cuộc kiểm toán, đồng thời trực tiếp kiểm toán chuyên đề tại Bộ KHCN, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Phạm Thành Ngọc cho biết, thành công của cuộc kiểm toán là nhờ sự chuẩn bị chu đáo, từ sớm.

“Công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế. Nhờ đó, trong quá trình thực hiện, đoàn kiểm toán ít gặp vướng mắc nảy sinh” - ông Ngọc nói.

Bên cạnh đó, qua thực tiễn kiểm toán cho thấy, sự chỉ đạo quyết liệt gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng góp phần quan trọng vào thành công của cuộc kiểm toán. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, đoàn kiểm toán, kiểm toán viên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, đổi mới, bám sát quy định để có nhiều phát hiện, đánh giá xác đáng, thuyết phục.

“Đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán luôn quán triệt đến từng kiểm toán viên việc tuân thủ đầy đủ các quy định về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn tác phong, đạo đức công vụ, giữ gìn uy tín, hình ảnh và nguyên tắc độc lập, khách quan, liêm chính của Kiểm toán viên nhà nước” - ông Ngọc cho biết.

Trong suốt quá trình chuẩn bị đến triển khai kiểm toán, các đơn vị trong toàn Ngành đã phối hợp chặt chẽ, cơ bản đảm bảo thống nhất trong tổ chức thực hiện. Đây là những điều kiện quan trọng để đạt được sự thành công cho cuộc kiểm toán chuyên đề.

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Tùng Lâm

Xác định đặc thù của kiểm toán chuyên đề là các đánh giá kiểm toán phải thống nhất trong toàn Ngành, giữa các đoàn kiểm toán, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Xuân Khải cho biết, lãnh đạo đơn vị đã quán triệt đoàn kiểm toán tăng cường trao đổi giữa các tổ kiểm toán, giữa các đoàn kiểm toán và với các KTNN chuyên ngành, đặc biệt là các nội dung phát hiện mới, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp, cách làm hay để mở rộng áp dụng.

Hơn nữa, cần tăng cường trao đổi với đơn vị được kiểm toán trong suốt quá trình chuẩn bị, cho đến khi kết thúc cuộc kiểm toán. “Trao đổi thông tin với đơn vị được kiểm toán giúp thống nhất, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; tạo sự đồng thuận về các đánh giá, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách” - ông Khải chia sẻ.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc kiểm toán

Tuy nhiên, do chuyên đề kiểm toán KHCN có quy mô lớn, hệ thống văn bản quy định nhiều, số lượng đề tài, nhiệm vụ lớn, liên quan nhiều đến chuyên môn sâu của các lĩnh vực nên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm toán.

aefa944b439595cbcc84(1).jpg
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc và Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Tùng Lâm đồng chủ trì Tọa đàm. Ảnh: N.Lộc

Đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp cho biết, qua tổng hợp cho thấy, các đoàn kiểm toán còn gặp khó khăn trong việc thu thập bằng chứng làm cơ sở đánh giá xác nhận số liệu tổng hợp quyết toán chi đầu tư cho lĩnh vực KHCN.

Nguyên nhân là do phạm vi kiểm toán rộng, nhiều đầu mối; Bộ, ngành và địa phương và việc tổng hợp quyết toán lĩnh vực KHCN chưa có đầu mối cụ thể nên số liệu quyết toán chưa đầy đủ, chính xác, ảnh hưởng đến xác định tỷ lệ chi thực hiện NSNN cho KHCN.

Theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Huỳnh Hữu Thọ, việc kiểm toán lồng ghép sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng kiểm toán. Bên cạnh đó, việc lựa chọn đối tượng kiểm toán cần được xem xét thêm để đảm bảo có đánh giá đầy đủ, thường xuyên đối với những địa phương, đơn vị có nguồn chi cho KHCN lớn.

“Thực tế, có nhiều địa phương dành nguồn chi cho KHCN lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nhưng chưa được kiểm toán thường xuyên” - ông Thọ cho biết; đồng thời đề nghị trong thời gian tới, KTNN xem các vấn đề này để tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề đúng quy mô, mang lại hiệu quả cao nhất.

Lưu ý về vấn đề nhân sự tham gia kiểm toán chuyên đề, nhất là tại các Bộ, ngành, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Xuân Khải cho rằng, phải ưu tiên bố trí kiểm toán viên tinh nhuệ nhất bởi tính chất công việc kiểm toán tổng hợp như với chuyên đề này thường khá phức tạp.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán chuyên đề nói chung, đối với các chuyên đề về KHCN nói riêng, các ý kiến cũng đề xuất cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức kiểm toán; công tác chỉ đạo cần đảm bảo sự tập trung thống nhất xuyên suốt trong tổ chức thực hiện kiểm toán; thống nhất trong kết luận, kiến nghị kiểm toán, tạo thuận lợi cho quá trình tổng hợp kết quả cuộc kiểm toán của toàn Ngành.

Đặc biệt, để phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro, sai sót trong hoạt động kiểm toán, các đơn vị tham mưu, đơn vị kiểm toán cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát rủi ro kiểm toán để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, cũng như phòng ngừa vi phạm từ sớm. Trong đó, cần đề cao vai trò người đứng đầu,  chú trọng kiểm soát chất lượng kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm soát... 

_dsc6792.jpg
Đại diện KTNN khu vực V nêu ý kiến tại Tọa đàm. Ảnh: N.Lộc

Các ý kiến cũng cho rằng, xuất phát từ yêu cầu của kiểm toán chuyên đề, cần tăng cường năng lực thẩm định tính pháp lý trong quá trình thẩm định dự thảo Báo cáo kiểm toán để có hướng xử lý thống nhất trong toàn Ngành góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
Nỗ lực nâng cao chất lượng kiểm toán