Nỗ lực tìm giải pháp hóa giải thách thức trước việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46%

(BKTO) - Chúng ta phải hết sức bình tĩnh để nhìn nhận và đánh giá một cách tổng thể, toàn diện nhằm tìm ra giải pháp hóa giải những thách thức... - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ trước việc Hoa Kỳ công bố sẽ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

vm.png
Việt Nam sẵn sàng hợp tác, trao đổi, thảo luận với phía Hoa Kỳ để tháo gỡ những vướng mắc. Ảnh minh họa

Nỗ lực tìm phương hướng, giải pháp hợp lý cho cả hai bên

Trong vai trò thành viên Tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, với mong muốn xây dựng chính sách thương mại công bằng, Việt Nam sẵn sàng hợp tác, trao đổi, thảo luận để tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ song phương, tập trung để sao cho trong vài ngày tới cùng có phướng hướng xử lý.

Chúng tôi hy vọng sẽ đón nhận được những thông tin sớm từ phía Hoa Kỳ

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gửi Công hàm sáng ngày 03/4 đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên, đồng thời liên hệ với cơ quan ngoại giao và nhiều kênh khác để cùng cố gắng thu xếp có được cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng với ông Trưởng đại diện của Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR). Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai chuẩn bị rất nhiều nội dung liên quan, thậm chí cả những thông tin đề xuất sửa đổi những quy định pháp luật, những thông tin giải thích rõ hơn về các chính sách xuất nhập khẩu, quản lý xuất nhập khẩu của Việt Nam…

Chia sẻ thông tin đầu tuần tới sẽ có 01 đoàn công tác của Việt Nam sang Hoa Kỳ do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết ông sẽ tham gia đoàn công tác này và chúng tôi đã sẵn sàng trên tinh thần gặp được đại diện phía Hoa Kỳ, đoàn sẽ có rất nhiều nội dung để trao đổi…

Theo Bộ Công Thương, những chính sách mới của Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với các đối tác thương mại đã và đang mang lại những tác động sâu rộng đối với nền kinh tế thế giới do các quan điểm cứng rắn, mang tính bảo hộ cao thông qua việc gia tăng các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu.

Gần đây nhất, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công bố sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 05/4/2025. Sau đó, kể từ ngày 09/4/2025, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn (Việt Nam bị áp thuế đối ứng 46%, nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Myanmar).

Hoa Kỳ áp thuế cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thực sự không công bằng

Theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương, trong các mặt hàng bị áp thuế có 06 nhóm mặt hàng được miễn trừ thuế đối ứng: Nhóm 1 - Các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702(b); Nhóm 2 - Các mặt hàng thép, nhôm, ô tô, phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962; Nhóm 3 - Các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ xẻ; Nhóm 4 Các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; Nhóm 5 - Kim loại quý; Nhóm 6 - Năng lượng và một số khoáng sản Hoa Kỳ không có.

Chia sẻ Việt Nam rất quan ngại về quyết định trên của Hoa Kỳ, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia luôn kiên trì và nhất quán ủng hộ thương mại đa phương, dựa trên luật lệ, với WTO đóng vai trò trung tâm, nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.

Việc Hoa Kỳ áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là vấn đề mà Bộ Công Thương đã có dự báo ngay từ khi ông Donald Trump ra tranh cử. Đặc biệt, sau khi Tổng thống Trump đắc cử, Bộ Công Thương đã có báo cáo chi tiết với lãnh đạo Chính phủ về các phương án, kịch bản xảy ra…

Gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến và xử lý hàng loạt các khó khăn vướng mắc, phê duyệt một số dự án đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tại Việt Nam ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng, thông qua đó tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường cho 13 nhóm hàng mà Hoa Kỳ có lợi thế cạnh tranh; tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O) để giảm thiểu rủi ro chuyển tải bất hợp pháp.

Chính phủ và các bộ, ngành cũng triển khai lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; giải đáp và xử lý các quan ngại của Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) nêu trong 6 lĩnh vực cụ thể mà Hoa Kỳ quan tâm: tiếp cận thị trường; nông nghiệp; ngăn chặn lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp; sở hữu trí tuệ, thương mại số; đầu tư; lao động.

Hiện nay, thuế MFN trung bình của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu là 9,4%. Do vậy, việc Hoa Kỳ đang đánh giá Việt Nam áp mức thuế 90% lên hàng hóa của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ áp thuế cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại, xây dựng quan hệ thương mại hài hòa, bền vững giữa hai nước.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương

Đại diện Bộ Công Thương bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ thực thi thương mại công bằng, mở rộng thêm các cơ hội thảo luận, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng hướng tới một khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại đảm bảo các lợi ích về thuế, mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ các rào cản thương mại… phù hợp với lợi ích của cả hai nước. Về phía mình, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 713/QĐ-TTg ngày 03/4/2025 thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ phó, thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác.

Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, nhất là điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ để chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực và các điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ thời gian tới, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, cục diện đối ngoại thuận lợi, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài cho tăng trưởng và phát triển đất nước.

Cùng chuyên mục
  • Ra mắt Ngân hàng Nhà nước khu vực 7 và khu vực 8
    10 giờ trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 04/4, tại Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Công bố Quyết định, ra mắt NHNN khu vực 7 và Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực 7.
  • Sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu quý I duy trì đà tăng trưởng
    11 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Chủ trì cuộc họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng chúng tôi dự báo sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tiếp tục có sự cải thiện và duy trì đà tăng trưởng; hoạt động xuất khẩu đang tăng tốc trở lại sau khởi đầu chậm hơn kỳ vọng trong hai tháng đầu năm…
  • Bình Dương hoàn thành mục tiêu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới
    12 giờ trước Địa phương
    (BKTO) - Tỉnh Bình Dương đã hoàn thành 100% mục tiêu xây dựng nông thôn mới với tất cả 41 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới; đặc biệt có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các xã còn lại đang tiếp tục đầu tư nâng cao theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
  • AmCham: Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không ồ ạt rút khỏi Việt Nam vì thuế quan
    12 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Hà Nội cho rằng, thuế quan đối ứng có thể sẽ gây gián đoạn cho thương mại toàn cầu, nhưng sẽ không ngăn chặn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục vào Việt Nam hay khiến nhà đầu tư ồ ạt rút khỏi Việt Nam.
  • Quý I năm 2025 các chỉ tiêu của TKV cơ bản đạt và vượt mục tiêu kế hoạch
    16 giờ trước Doanh nghiệp
    Quý I năm 2025, với các giải pháp đồng bộ, linh hoạt và quyết liệt, các chỉ tiêu chính của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV)các công ty thuộc Tập đoàn cơ bản đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đã đề ra, cung cấp than cho sản xuất điện đảm bảo tiến độ, đảm bảo an toàn hệ thống điện cho phát điện các tháng mùa khô.
Nỗ lực tìm giải pháp hóa giải thách thức trước việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46%