
Báo cáo mới nhất của S&P Global cũng cho biết, ngành sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 3 khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam vào cuối quý 1/2025 đã có sự cải thiện.
Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3 đạt mức trên ngưỡng 50 điểm, lần đầu tiên trong vòng 4 tháng trở lại đây (đạt 50,5 điểm, tăng nhẹ so với 49,2 điểm trong tháng 2).
Cùng với sự cải thiện trong hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục được đẩy mạnh trong tháng 3/2025, với kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 75,38 tỷ USD, tăng 16,8% so với tháng trước và tăng 15,3% so với tháng 3/2024.
Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu tháng 3/2025 ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 23,8% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ đầu năm đến nay.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 ước đạt 36,87 tỷ USD, tăng 12,9% so với tháng trước và tăng 19% so với tháng 3 năm 2024.
Lũy kế quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang khởi sắc, với nhu cầu nguyên liệu, linh kiện, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh.
Cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, ước xuất siêu 3,15 tỷ USD.
Trong quý I/2025, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 29 tỷ USD, ước tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 9% của khối doanh nghiệp FDI (ước đạt 73,8 tỷ USD), cho thấy nội lực của khối doanh nghiệp trong nước đang dần được nâng cao.
Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp (Bộ Công Thương)
Xuất khẩu ở cả nhóm hàng nông, thủy sản và công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, ước đạt mức hai con số so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tới các hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến đều tăng (trừ thị trường Trung Quốc). Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 30,5 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2024. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba (ước đạt 13 tỷ USD) nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,2%).
Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 nhưng cao hơn kịch bản của ngành Công Thương xây dựng tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản Quý I/2025 tăng 7,9%).
Về thị trường trong nước, 02 tháng đầu năm 2025, thị trường trong nước phát triển sôi động do nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán và sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 02 tháng ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,4%).
Mặc dù đến thời điểm hiện nay chưa có số liệu chính thức của tháng 3 và quý I/2025 nhưng Bộ Công Thương dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng khá trên cơ sở đà tăng trưởng đã có từ 02 tháng đầu năm nay.

Trao đổi với báo chí về giải pháp phát triển những tháng tiếp theo, ông Bùi Huy Sơn cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi…), nội địa hoá ngành công nghiệp đường sắt phục vụ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia nhằm sớm đưa những nguồn lực này vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế.
Tích cực phối hợp các Bộ ngành, cơ quan liên quan triển khai các giải pháp như: khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối, cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài.
Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tối ưu hóa các chỉ tiêu công nghệ, định mức tiêu hao tiên tiến xây dựng theo mô hình hợp lý (định mức lao động, định mức tiêu hao vật tư…) để tiết giảm chi phí sản xuất ở mức hợp lý và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, doanh nghiệp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Thông tin kịp thời cho các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước…
Đồng thời, tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu. Vận dụng các kênh đối thoại ngoại giao và thông qua hệ thống các Thương vụ tích cực tìm kiếm những cơ hội, đơn hàng mới cho các ngành xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống để thúc đẩy sản xuất trong nước...
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như: rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh…
Chia sẻ về các giải pháp của Bộ Công Thương nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng bền vững, ông Bùi Huy Sơn đề cập đến 6 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục chú trọng công tác thông tin thị trường nhằm kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến về giá cước và biến động của thị trường vận tải kho vận trên thế giới và trong nước để có khuyến nghị kịp thời với cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ hai, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ ba, chủ động trong xây dựng các giải pháp, chính sách kịp thời, các đơn vị thuộc Bộ phối hợp để nghiên cứu, xây dựng kịch bản dự báo, phân tích, đề xuất giải pháp phản ứng chính sách kịp thời với khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới.
Thứ tư, tiếp tục triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng tới thúc đẩy xuất khẩu sang đa dạng các thị trường mới, song song với các thị trường trọng điểm.
Thứ năm, khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán các FTA mới và các FTA nâng cấp; đẩy nhanh tiến độ nội luật hóa các cam kết, tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo tập huấn các cam kết, trong đó trọng tâm là đào tạo về quy tắc xuất xứ để doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng.
Thứ sáu, thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) về việc lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa; chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ./.