Đây là năm thứ hai liên tiếp, Petrovietnam lọt vào Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả.
Bảng xếp hạng không chỉ dừng lại ở việc công bố Top 10, Viet Research và Báo Đầu tư đã nghiên cứu và công bố Top 50 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả (VIE 50).
Bên cạnh việc góp mặt trong Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả năm 2024, Petrovietnam còn là doanh nghiệp dẫn đầu trong nhóm ngành dầu khí - năng lượng - điện.
Trong VIE 50 cũng có sự xuất hiện của các doanh nghiệp thành viên của Petrovietnam như: Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC); Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS); Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC); Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo); Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (PV Power NT2); Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI).
Chương trình VIE 50 được thực hiện hàng năm nhằm đánh giá, nghiên cứu và tôn vinh các doanh nghiệp sáng tạo, cách tân, hoạt động kinh doanh hiệu quả và có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Các doanh nghiệp lọt vào bảng xếp hạng VIE 50 được đánh giá cao về văn hóa đổi mới, sáng tạo, tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao, giúp nền kinh tế dễ dàng tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới. Đây được xem là những doanh nghiệp tương lai, mang trong mình tinh thần đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ.
Theo chia sẻ của Ban tổ chức, kết quả khảo sát các doanh nghiệp VIE 50 cho thấy, 86% doanh nghiệp cho rằng đổi mới, sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn 3-5 năm tới.
Xét về cơ cấu ngành nghề các doanh nghiệp VIE 50, đa số tập trung trong 7 nhóm ngành nghề chính là: Ngành bất động sản - xây dựng - vật liệu xây dựng; ngành công nghệ thông tin - viễn thông; ngành ngân hàng; ngành dầu khí - năng lượng - điện; ngành bảo hiểm; ngành bán lẻ và ngành logistics.
Trong đó, doanh nghiệp chú trọng vào đổi mới, sáng tạo, cách tân về sản phẩm, công nghệ, quy trình và con người, tăng nhẹ so với tỷ lệ 83,2% trong khảo sát các doanh nghiệp VIE 50 năm 2023.
Lãnh đạo Petrovietnam chia sẻ, những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn thách thức trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Petrovietnam vẫn nỗ lực thực hiện đồng bộ chuyển đổi số, quản trị biến động, quản trị danh mục đầu tư, quản trị chuỗi liên kết...
Qua đó, Petrovietnam tiếp tục phát huy vai trò của một tập đoàn kinh tế mạnh trong nước và quốc tế, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, giữ vai trò xương sống về an ninh năng lượng (thăm dò khai thác, chế biến dầu - khí), an ninh lương thực (sản xuất, cung ứng phân bón phục vụ nông nghiệp), an ninh kinh tế (đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia) và cả an ninh quốc phòng (tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển).
Kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong 5 tháng đầu năm vẫn giữ vững sự ổn định, với 9 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 tháng. Trong đó, khai thác dầu thô vượt 4,4%; khai thác khí vượt 7,7%; sản xuất điện vượt 8,9%; sản xuất đạm urea vượt 6,5%; sản xuất NPK vượt 15,4%; sản xuất xăng dầu vượt 21,5%; LPG vượt 0,4%; condensate vượt 0,4%; polypropylen vượt 9,4%.
Tất cả các chỉ tiêu tài chính trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm của toàn Tập đoàn đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch quản trị đề ra. Tính chung 5 tháng, 6/6 chỉ tiêu tài chính tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023; trong đó doanh thu toàn Tập đoàn tăng 15%, nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn tăng cao so với kế hoạch./.