Phải tìm được điểm cân bằng giữa chống lạm phát và tăng trưởng

(BKTO) - Yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, vừa diễn ra chiều nay (01/12), tại Hà Nội.

0.jpg
Quang cảnh Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Kinh tế-xã hội tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nền tảng ổn định, các chỉ số của nền kinh tế tương đối tốt:

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%.

Các cân đối lớn được bảo đảm: Thu NSNN 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, tăng 17,4%; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 673,8 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất siêu 10,6 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, 11 tháng xuất khẩu nông sản đạt hơn 49 tỷ USD, tăng 11,8%; trong đó xuất khẩu gạo đạt gần 7 triệu tấn; đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ.

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Chỉ số IIP tháng 11 tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 5,3% so cùng kỳ, 11 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tăng, tháng 11 tăng 2,6% so với tháng trước; tổng 11 tháng đạt gần 5,2 triệu tỷ, tăng 20,5% cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 11 tăng 23,2% so tháng trước; 11 tháng đạt gần 3 triệu lượt, tăng 21 lần so với cùng kỳ.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới, hoạt động trở lại tăng 33% so với cùng kỳ, gấp 1,47 lần số doanh nghiệp rút lui. Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt gần 20 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Các loại thị trường, lưu thông dòng tiền của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tổng thể vẫn tăng nhưng đang có xu hướng giảm.

Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng...

Việc mở rộng chính sách tài khóa phải có trọng tâm, trọng điểm

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương:

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.

Phải tìm được điểm cân bằng giữa vấn đề lãi suất và tỷ giá, giữa chống lạm phát và tăng trưởng. Tăng tín dụng phải rà soát kỹ, chắc chắn, hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm soát lạm phát; đồng thời, việc mở rộng chính sách tài khóa phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Thúc đẩy các loại thị trường phát triển an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản...; chấn chỉnh những cái sai, những việc làm chưa đúng, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động và quyết liệt hơn nữa trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là về giao thông, năng lượng...

Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm nguồn cung, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, lương thực, thực phẩm; không để diễn ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Thực hiện hiệu quả chính sách bình ổn giá dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán.

Khai thác tốt thị trường nội địa, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA; tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, đặc biệt là vấn đề vốn. Đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh…

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ kỳ họp Quốc hội bất thường sắp tới bảo đảm tiến độ và chất lượng; khẩn trương ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch; phối hợp chặt chẽ trong triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2023, bảo đảm chất lượng, phù hợp, khả thi, đúng tiến độ.

Tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua như: Kết quả điều tra vụ Việt Á; vướng mắc thị trường bất động sản; tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, nhà ga T3; vấn đề đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp; chính sách tháo gỡ khó khăn cho người lao động ngành y tế sau dịch Covid-19; vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm ở trường học sau vụ ngộ độc tại trường Ischool Nha Trang…/.

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất bổ sung hình thức mua cổ phần của ngân hàng  đối với nhà đầu tư nước ngoài
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất bổ sung hình thức mua cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong trường hợp tổ chức tín dụng cổ phần chào bán cổ phần, phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ.
  • Thu ngân sách tăng 17,4% chủ yếu do kinh tế tăng trưởng
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) – Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN 11 tháng ước đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán, tăng 17,4% so cùng kỳ năm 2021 (ngân sách trung ương đạt 114,9% dự toán, ngân sách địa phương đạt 117,4% dự toán).
  • Tiếp sức cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - 10 năm qua, đội ngũ doanh nghiệp (DN) doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, để có thể phát huy tốt hơn vai trò trong thời kỳ mới, ngoài việc nâng cao năng lực, đội ngũ doanh nhân vẫn cần đến một thể chế thông thoáng, thuận lợi, khuyến khích tinh thần kinh doanh và khát vọng làm giàu chân chính.
  • Linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Tỷ giá những ngày gần đây tạm thời ổn định nhưng đã ở mặt bằng cao hơn khá nhiều so với đầu năm. Theo các chuyên gia, diễn biến tỷ giá cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần điều hành
  • Nâng cao chất lượng đô thị hóa hướng đến phát triển bền vững
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên, chất lượng đô thị hóa của Việt Nam chưa cao. Do đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đô thị hóa hướng đến phát triển bền vững, đóng góp
Phải tìm được điểm cân bằng giữa chống lạm phát và tăng trưởng