Phấn đấu 50% kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh

(BKTO) - Từ nay đến năm 2030, ngành Công Thương đặt mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần thực hiện tái cấu trúc và phát triển công nghiệp, thương mại quốc gia theo hướng hiện đại.

1(4).jpg
Cần nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sự phát triển của ngành Công Thương. Ảnh minh họa: TTXVN

Nội dung này được thể hiện rõ trong Quyết định số 2795/QĐ-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành về "Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030".

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng chung của ngành Công Thương (tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm) thông qua các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, làm chủ và nội địa hóa công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng lực tổ chức, quản trị…

Bên cạnh đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phục vụ phát triển công nghiệp, trọng tâm là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần dịch chuyển cơ cấu nội ngành lên các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản xuất; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao.

Từ đó đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP và tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ phát triển thương mại trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, quản lý thị trường; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới. Qua đó góp phần tích cực thực hiện mục tiêu tăng trưởng doanh số thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (Business to Customer - B2C) bình quân từ 20 - 25%/năm.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu tỷ lệ nhiệm vụ khoa học và công nghệ xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và có kết quả được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90%; tối thiểu 50% kết quả nghiên cứu có khả năng chuyển giao cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh; ít nhất 30% kết quả nghiên cứu được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; 15% nhiệm vụ khoa học và công nghệ tham gia đào tạo sau đại học.

Các tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương được nâng cao về năng lực nghiên cứu, trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phấn đấu có khoảng 10 phòng thí nghiệm, thử nghiệm chuyên ngành có cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu hiện đại, đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

Khoảng 10 đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ có cơ sở sản xuất thực nghiệm, trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ hoặc hình thành công ty khởi nghiệp trực thuộc để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong ngành Công Thương theo hướng đông bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp các cam kết quốc tế; góp phần khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam; tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong ngành Công Thương với tiêu chuẩn quốc tế đạt trên 70%.

Hỗ trợ được ít nhất 200 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản trị, sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả tích cực trong hoạt động của doanh nghiệp.



Cùng chuyên mục
  • Lạng Sơn phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt trên 7%
    một năm trước Địa phương
    (BKTO) - Dự thảo Báo cáo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lạng Sơn năm 2024 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP 7 - 7,5%; tổng thu ngân sách nhà nước 7.385 tỷ đồng; xây dựng thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ giảm nghèo khoảng 3%.
  • Nhiều chính sách thu đã lạc hậu, bất cập
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập, nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh; ngân sách trung ương chưa đảm bảo vai trò chủ đạo; nhiều công cụ tài khóa vĩ mô không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay… - ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá.
  • Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại châu Phi
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Khu vực châu Phi Nam Sahara với dân số gần 1 tỷ người là thị trường có nhiều tiềm năng và dư địa mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới.
  • Đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Là 1 trong 5 nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, song mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam còn bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và tính bền vững. Trao đổi với Báo Kiểm toán, GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp - cho rằng, việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp xanh, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đang trở thành yêu cầu cấp bách hiện nay.
  • Ngành thuế góp phần chuyển đổi số quốc gia
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Việc chuyển đổi số của ngành thuế đã cung cấp dịch vụ thuế điện tử chất lượng cao cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Phấn đấu 50% kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh