Tìm nguồn lực đầu tưtương xứng
Theo Đề án Phát triển trường nghề CLC đến năm 2020 (Đề án), cả nước sẽ có khoảng 40 trường nghề được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí trường CLC để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Đề án (2014-2017), mới chỉ có 1 trường đạt đủ tiêu chí CLC. Lý do các trường chưa đạt mục tiêu này là tiêu chí xác định trường CLC quá cao so với mặt bằng đào tạo; các nguồn lực đầu tư cho trường nghề chưa tương xứng...
Việc đưa vào giảng dạy các chương trình chuyển giao tại các trường nghề CLC sẽ góp phần nâng cao chất lượng GDNN - Ảnh: Xuân Hùng
Về vấn đề này, TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, những tiêu chí xác định trường nghề CLC đang hướng đến chuẩn chung của khu vực và thế giới, do đó, Bộ sẽ không giảm mà tiếp tục nâng cao các tiêu chí xếp hạng. Theo đó, Bộ vừa ban hành Thông tư số 21/2008/TT- BLĐTBXH về quy định tiêu chí xác định chương trình CLC. Trong đó, Thông tư nêu rõ, chương trình đào tạo CLC không chỉ phải đáp ứng đầy đủ các quy định đối với một chương trình đào tạo thông thường mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn như có chuẩn đầu ra cao hơn chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo thông thường về kiến thức chuyên môn, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp.
Liên quan đến nguồn lực đầu tư cho các trường nghề CLC, TS. Hùng cho biết, một trong những giải pháp đang được Bộ LĐ-TB&XH tính đến là thực hiện cơ chế tự chủ trong GDNN, giảm dần tỷ lệ cấp ngân sách cho các trường nghề. NSNN sẽ chỉ tập trung đầu tư cho các trường CLC, vùng khó khăn; ngành, nghề trọng điểm quốc gia.
Ngoài ra, Thông tư số 21/2008/TT- BLĐTBXH cũng xác định cơ chế thu học phí của trường nghề CLC được phép cao hơn mức bình quân của các trường nghề. “Căn cứ vào việc xác định chi phí đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, thuê chuyên gia thực hiện chương trình CLC, trường sẽ xác định mức học phí tương xứng với chi phí đầu tư” - TS. Hùng cho biết.
Trông đợi vào các chương trình nghề chuyển giao
Bên cạnh việc huy động các nguồn lực đầu tư; chú trọng xây dựng chương trình chuẩn dành riêng cho các trường nghề CLC, hiện nay, Tổng cục GDNN cũng đang đẩy mạnh việc đưa các chương trình nghề được chuyển giao từ các nền GDNN tiên tiến trong khu vực, quốc tế vào giảng dạy.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, thực hiện Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế”, Bộ LĐ-TB&XH đã tiếp nhận và đang thực hiện chuyển giao các bộ chương trình nghề từ Australia, Đức và kiểm định, công nhận bộ chương trình đã chuyển giao từ Malaysia đạt tiêu chuẩn chất lượng của Đức.
Trong Báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ LĐ-TB&XH năm 2016, KTNN đánh giá, việc thực hiện đào tạo các nghề trọng điểm, đưa chương trình chuyển giao vào giảng dạy của Tổng cục GDNN đã tạo ra bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Đến thời điểm kiểm toán (năm 2017), Tổng cục GDNN đã tiếp nhận, chuyển giao 20/34 bộ chương trình của nghề trọng điểm, đạt 59% kế hoạch được giao.
Theo TS. Vũ Xuân Hùng, định hướng đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 đặt mục tiêu GDNN phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. Do đó, việc chuyển giao các bộ chương trình đào tạo quốc tế, đưa các chương trình này vào giảng dạy sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu nêu trên. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục GDNN cũng nêu lên những khó khăn, thách thức trong việc chuyển giao thực hiện các chương trình nghề tiên tiến tại các trường, đặc biệt là các điều kiện đáp ứng theo tiêu chuẩn của nước chuyển giao (trình độ tiếng Anh đầu vào B1 của người học, đội ngũ nhà giáo phải đạt chuẩn quốc tế). Mặt khác, do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên cơ sở, trang thiết bị tại hầu hết trường nghề đang được quy hoạch thành trường CLC chưa đáp ứng được yêu cầu của nước chuyển giao... Điều đó dẫn đến làm chậm tiến độ triển khai của chương trình tại các trường, như Báo cáo kiểm toán đã ghi nhận.
Để tạo điều kiện cho các trường nghề trong diện quy hoạch thành trường CLC, Bộ LĐ-TB&XH đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh số trường tham gia đào tạo thí điểm là các trường được lựa chọn quy hoạch thành trường CLC đến năm 2025; có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy sự tham gia của DN vào hoạt động GDNN...
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 50 ra ngày 13-12-2018