Quảng Nam: Tích cực triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới

(BKTO) - Xác định nông dân là chủ thể, nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát động nhiều phong trào thi đua chung tay thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

nong-thon-moi-quang-nam20230524095654.jpg
Quảng Nam hiện có 123/193 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 63,7%. Ảnh: TS

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay, bình quân chung số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn của toàn tỉnh theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 là 14,28 tiêu chí/xã, có 123/193 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 63,7%. Ước đến cuối năm 2023, Quảng Nam sẽ có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh lên 130/193 xã, đạt tỷ lệ 67,3%.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 4/18 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ đạt 22,2%. Đồng thời, có 214/957 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư/thôn nông thôn mới kiểu mẫu, tỷ lệ đạt 22,36%. Ước đến cuối năm 2023, Quảng Nam sẽ có 291/957 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 80 xã), đạt tỷ lệ 30,4%.

Hiện tỉnh có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 25 xã nông thôn mới nâng cao (tăng 15 xã) và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 1 xã).

Tỉnh đã phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho 333 sản phẩm OCOP với 260 chủ thể; trong đó có 275 sản phẩm 3 sao; 58 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh việc phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cụ thể: Năm 2022, vốn đầu tư thực hiện Chương trình là 330,24 tỷ đồng; năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ cho các đơn vị, địa phương là 392,31 tỷ đồng.

Đồng thời, tỉnh đã đăng ký với Trung ương 4 đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất hỗ trợ 1 đề tài về chuỗi giá trị cho cây cau (dự kiến kinh phí khoảng 7 tỷ đồng).

Ngoài ra, tỉnh đã giao 10 xã và 30 thôn làm thí điểm xã/thôn nông thôn mới thông minh; phân bổ hỗ trợ cho 3 mô hình du lịch nông thôn gồm: “Du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại Làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP. Hội An”; “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại Làng Mường, xã Trà Giang”; “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại Làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe”.

Với việc tích cực triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều làng quê xứ Quảng đang ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện…

Đặc biệt, trong năm 2023, tại tỉnh Quảng Nam, Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022; kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và thực hiện 2 cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành: Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; Việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - cho biết: Trong những năm qua, công tác phối hợp giữa KTNN với tỉnh Quảng Nam đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước ở địa phương, đặc biệt là trong việc hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước về tài chính ngân sách.

Qua đó, giúp địa phương sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn tiền và tài sản nhà nước, tránh lặp lại những hạn chế mà kết luận kiểm toán đã chỉ ra; đồng thời, giúp hội đồng nhân dân các cấp có đầy đủ thông tin để tăng cường công tác giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán, quản lý, điều hành ngân sách địa phương, phát hiện kịp thời những sai sót trong công tác quản lý, quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước.

Thời gian tới, KTNN và Quảng Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa ngay từ khâu lập dự toán hằng năm; xây dựng kế hoạch kiểm toán tránh chồng chéo với các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; tháo gỡ những nội dung đã có kết luận kiểm toán mà địa phương không thể triển khai thực hiện, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị và địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao./.

Cùng chuyên mục
Quảng Nam: Tích cực triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới