Quy hoạch thành phố Hải Phòng thể hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển

(BKTO) - Hồ sơ quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tư duy, tầm nhìn, khát vọng phát triển mới vừa được Hội đồng thẩm định thông qua.

4.jpg
Quy hoạch thành phố Hải Phòng thể hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển. Ảnh minh họa: haiphong.gov.vn

Báo cáo của đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng nêu rõ, Hải Phòng có vị trí thuận lợi gắn kết về mặt không gian, lãnh thổ của miền Bắc, là điểm nối vùng duyên hải Đông Bắc trù phú với vùng duyên hải Nam đồng bằng sông Hồng kém phát triển hơn.

Hải Phòng cũng là một trong số ít các địa phương có đầy đủ cả 5 phương thức vận tải: đường không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường bộ cao tốc (trong đó có tuyến cao tốc ven biển và cao tốc nối với Hà Nội và Hạ Long).

Đặc biệt, với vị trí giáp Quảng Ninh, Hải Phòng có thể cùng Quảng Ninh tương hỗ, bổ trợ cùng phát triển, nhất là các liên kết trong phát triển kinh tế biển.

Theo Dự thảo Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số.

Đồng thời là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; có dịch vụ phát triển hiện đại, là trung tâm du lịch biển quốc tế, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không và đường thủy nội địa; trung tâm logistics quốc tế hiện đại.

Thành phố cũng được định hướng phát triển thành trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng lớn trong khu vực và thế giới, thành phố hàng hải toàn cầu với ba trụ cột phát triển chính: dịch vụ cảng biển; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao, môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngang tầm với các thành phố cảng hàng đầu châu Á và thế giới.

Trong thời kỳ quy hoạch, Thành phố tập trung thực hiện 3 đột phá phát triển gồm: cảng biển- logistics, chuyển đổi số và du lịch. Quy hoạch thành phố Hải Phòng bố trí không gian phát triển thành phố theo 4 vùng chức năng: công nghiệp - cảng biển; du lịch; nông nghiệp cân bằng sinh thái và vùng biển - hải đảo.

Trên cơ sở phân vùng chức năng, thành phố tập trung phát triển các vùng có vai trò động lực: Trung tâm cảng biển, logistics, công nghiệp, thương mại, tài chính, gắn với khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, đô thị mới; Trung tâm hành chính - chính trị tập trung tại khu đô thị mới; Trung tâm du lịch; hình thành trung tâm đô thị mới khu vực Nam Đồ Sơn.

Tham gia ý kiến đối với Dự thảo Quy hoạch, các thành viên Hội đồng thẩm định và chuyên gia phản biện đều đánh giá Quy hoạch được xây dựng công phu, chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Dự thảo Quy hoạch đã bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị; định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể quốc gia; cụ thể hóa được các Quy hoạch ngành quốc gia để tích hợp đầy đủ các nội dung, định hướng phát triển vào các ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị làm rõ, bổ sung một số vấn đề lớn như phát triển đô thị thông minh; luận giải kỹ hơn về các khâu đột phá theo hướng cảng biển - logictics, công nghiệp, đô thị; phương án thành lập Khu Kinh tế ven biển Nam Hải Phòng; bổ sung các ngành công nghiệp có tính chất phát triển bền vững.

Đồng thời cần chỉ rõ hơn định hướng phát triển logictics tương xứng với vai trò vị thế và trung tâm vùng; chú trọng phát triển đường sắt đô thị, khai thác không gian ngầm; cân nhắc quỹ đất phát triển các khu du lịch; đề xuất phương án liên kết vùng, liên kết không gian; rà soát kế hoạch phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng thông minh.

Đặc biệt cần bổ sung, tính toán dự kiến nhu cầu vốn đầu tư đối với giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và giai đoạn sau năm 2030 để đảm bảo nguồn lực thực hiện đối với quy hoạch. Trên cơ sở đó xác định thứ tự ưu tiên của các dự án, công trình quan trọng và phân kỳ từng năm, trong đó chi tiết cơ cấu nguồn vốn của từng dự án để làm cơ sở thực hiện.

Về phương án phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn, khu vực có vai trò động lực, cần xem xét, rà soát, bổ sung, xác định rõ các khu vực có vai trò động lực, thế mạnh của từng khu vực để từ đó định hướng, xây dựng phương án phát triển các khu vực động lực trở thành trung tâm phát triển, tạo sức lan tỏa, kết nối, thúc đẩy sự phát triển của các khu vực xung quanh.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, quy hoạch thành phố Hải Phòng được cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nghiêm túc; đúng quy định của pháp luật về quy hoạch; thực hiện nghiêm túc quy trình lập. Nội dung quy hoạch thể hiện khá rõ nét tư duy, tầm nhìn khát vọng phát triển mới của Thành phố.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị thành phố Hải Phòng cần khẩn trương lập báo cáo tiếp thu, giải trình bảo đảm đồng bộ, thống nhất và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, theo tinh thần nhanh nhưng đảm bảo chất lượng Quy hoạch.

Cùng chuyên mục
Quy hoạch thành phố Hải Phòng thể hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển