Quyết liệt trong chuyển đổi số ngành giáo dục

(BKTO) - Nhận định công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy học, quản lý giáo dục là việc trọng tâm, thách thức lớn, năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phấn đấu thực hiện có hiệu quả Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành, cũng như các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

12.02.jpg
Năm 2024, 100% cơ sở giáo dục tham gia thí điểm đã thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu học bạ về cơ sở dữ liệu học bạ số do Bộ GDĐT quản lý. Ảnh: ST

Theo báo cáo công tác về chuyển đổi số và triển khai Đề án số 06 của Bộ GDĐT, năm 2024, Bộ GDĐT đã số hóa gần 24,55 triệu hồ sơ là giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh ngành giáo dục về cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (Hệ thống Hemis) và cơ sở dữ liệu giáo dục phổ thông; kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (do Bộ Nội vụ quản lý).

Hai dịch vụ công là “Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông” (có 1.029.678 hồ sơ đăng ký trực tuyến) và “Công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam” (có 9.448 hồ sơ) đã được triển khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng đã hoàn thành triển khai thí điểm học bạ số bậc tiểu học với 11.400 trường trên tổng số 14.663 trường (đạt tỷ lệ 77,75%); 100% cơ sở giáo dục tham gia thí điểm thuộc 63 tỉnh/thành thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu học bạ về cơ sở dữ liệu học bạ số do Bộ GDĐT quản lý. Mở rộng triển khai học bạ số đối với giáo dục trung học. Hiện Bộ GDĐT đang triển khai thí điểm văn bằng số, hướng đến việc quản lý, sử dụng văn bằng hoàn toàn trên môi trường mạng.

Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt được đưa vào tiêu chí đánh giá tại các Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số; hướng dẫn mô hình tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; 100% thí sinh xét tuyển đại học thực hiện thanh toán lệ phí xét tuyển bằng hình thức không dùng tiền mặt.

Chúng ta phải hướng đến toàn bộ hoạt động quản lý nhà nước của ngành sẽ thực hiện trên nền tảng số, không phải chỉ vài thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn

Năm 2025, Bộ GDĐT phấn đấu thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2025 và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ GDĐT. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 100% thủ tục hành chính và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý giáo dục và hoạt động chuyên môn của ngành…

Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, cần phải nhìn thấy hết những việc cần làm, cả vĩ mô và vi mô trong chuyển đổi số cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ, cũng như của toàn ngành; phải đặt ra những việc cần làm có lộ trình, tư duy thiết kế một cách tổng thể để không bị động, thiếu đồng bộ.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu cần tiến hành hợp nhất các Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06. Khi thành lập Ban Chỉ đạo mới, với cơ cấu mới, việc cần làm ngay là cần đánh giá về tình hình chuyển đổi số của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đồng bộ cơ sở dữ liệu giáo dục dạy nghề để hòa dòng, liên thông với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý cần tập trung rà soát, đề xuất phương án xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho cải cách hành chính, chuyển đổi số; đảm bảo an toàn trong kết nối, tính pháp lý trong chia sẻ dữ liệu khi gia tăng cơ sở dữ liệu và các kết nối…/.

Cùng chuyên mục
  • Chủ động, tích cực triển khai Đề án 06 ngay từ những ngày đầu năm 2025
    6 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Ngay từ những ngày đầu năm 2025, việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) được các Bộ, ngành thực hiện chủ động, tích cực, kịp thời, kể cả trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
  • Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay
    6 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) thay thế cho Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT năm 2012, chính thức có hiệu lực từ hôm nay (14/02).
  • Vĩnh Phúc: Ưu tiên nguồn lực phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội
    6 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đặt mục tiêu đến năm 2045, Vĩnh Phúc là trở thành thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt: kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; xã hội phát triển hài hòa; môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống.
  • Lễ hội đầu Xuân: Vui, nhưng cần tránh lãng phí
    7 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Lễ hội văn hóa được tổ chức góp phần mang lại không khí vui tươi cho người dân, cũng như bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, trước việc hàng loạt lễ hội diễn ra dồn dập vào dịp đầu năm cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất, cũng như vấn nạn tại lễ hội vẫn tiếp diễn. Do đó, việc tăng cường quản lý, tránh tình trạng lạm dụng, tổ chức tràn lan, gây lãng phí nguồn lực là yêu cầu bức thiết hiện nay.
  • Cả nước sẽ diễn ra lễ giao nhận quân từ 13 - 15/02
    8 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Từ ngày 13 đến hết ngày 15/02, thanh niên trên cả nước sẽ lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2025.
Quyết liệt trong chuyển đổi số ngành giáo dục