Theo đó, để phát triển số người tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28- NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố việc khai thác, phát triển số người tham gia BHXH thông qua dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp.
Cụ thể, đối với Phòng/Tổ khai thác và thu nợ, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, gửi thông báo về việc đóng BHXH theo Mẫu D04e-TS và đôn đốc DN đăng ký tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động bằng thư đảm bảo theo địa chỉ cơ quan Thuế cung cấp.
Đồng thời, lập biên bản giao nhận Mẫu D04e-TS giữa cơ quan BHXH và Bưu điện. Sau 10 ngày kể từ ngày gửi, nếu DN không có phản hồi, thì trong thời gian 5 ngày tiếp theo phải trực tiếp đến đơn vị đôn đốc, lập biên bản làm việc. Trong biên bản làm việc phải có yêu cầu DN phối hợp với người lao động lập hồ sơ đăng ký tham gia đóng BHXH cho người lao động sau 5 ngày kể từ ngày lập biên bản.
Sau khi kết thúc thời gian yêu cầu DN đăng ký tham gia đóng BHXH, nếu DN vẫn không thực hiện, thì trong thời hạn 5 ngày tiếp theo đề nghị các cơ quan liên quan như: Công an tỉnh/huyện, Thuế, Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đại diện UBND xã, phường, thị trấn nơi DN đóng trụ sở để phối hợp mời DN đến cơ quan BHXH làm việc, yêu cầu lập hồ sơ đăng ký tham gia đóng BHXH theo quy định.
Ngành BHXH tăng cường rà soát người tham gia BHXH tại các DN theo dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp- Ảnh: ST |
Đối với các Phòng/Tổ quản lý thu, yêu cầu thực hiện theo các nội dung, nhiệm vụ và thời gian giống với các Phòng/Tổ khai thác và thu nợ. Tăng cường phối hợp với Phòng Khai thác và Thu nợ, Phòng Thanh tra- Kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các DN không đăng ký tham gia hoặc tham gia đóng BHXH không đầy đủ, không đúng thời hạn. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, xác định tình trạng DN giải thể, phá sản, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh để đôn đốc DN đóng tiền, chốt số tiền phải đóng và tiền chậm đóng đến thời điểm DN ngừng hoạt động.
Tiếp tục tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đột xuất. Đối với Phòng/Tổ khai thác và thu nợ, sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày yêu cầu DN đăng ký tham gia đóng BHXH cho người lao động mà cố tình không thực hiện, thì chuyển danh sách trình Giám đốc BHXH tỉnh ban hành quyết định và tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đột xuất theo quy định; đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.
Đối với Phòng Thanh tra- Kiểm tra phối hợp rà soát, đối chiếu các DN được thanh tra đột xuất (do Phòng/Tổ khai thác và thu nợ cung cấp) với Kế hoạch thanh tra trên địa bàn; tiếp tục phối hợp tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đột xuất và xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trong trường hợp chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an đề nghị điều tra, truy tố và xử lý hình sự về tội trốn đóng BHXH, yêu cầu Phòng Thanh tra- Kiểm tra tổng hợp, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đối với những DN vi phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Phòng/Tổ khai thác và thu nợ tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc chấp hành kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra theo quy định và phối hợp với Phòng Thanh tra- Kiểm tra chuyển cơ quan Công an xử lý những DN không chấp hành.
BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo Ban Thu đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời, tổng hợp, báo cáo kết quả, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đối với BHXH tỉnh, thành phố, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải hoàn thành việc rà soát, khai thác, phát triển số người tham gia BHXH thông qua dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp; thanh tra đối với các DN trốn đóng và các DN đóng không đủ số người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH nhưng trốn đóng từ năm 2019 trở về trước. Hằng năm, thực hiện đôn đốc, rà soát, cập nhật kết quả trên phần mềm quản lý DN do cơ quan Thuế cung cấp và các DN phát sinh mới theo quy định.
Đ. KHOA