Sớm gỡ “thẻ vàng”, đưa thủy sản Việt vào thị trường châu Âu

(BKTO) - Nếu năm nay không gỡ được “thẻ vàng” IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định) thì nhiệm vụ này sẽ càng trở nên khó khăn và kéo dài, cho đến khi các quốc gia châu Âu ổn định tình hình sau bầu cử chính quyền mới vào giữa năm 2024...

z4738175805556_cd2ac3f9127eeadd6f43e8586f141c8e.jpg
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Gỡ “thẻ vàng” thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Ảnh: N.Lộc

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến, cùng đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ cho biết tại buổi họp báo thông tin về kết quả của ngành nông nghiệp quý III/2023, diễn ra ngày 29/9.

Theo Bộ NNPTNT, hiện nay, đội tàu của nước ta có 86.820 phương tiện, trong đó tàu 15m trở lên là 29.000 phương tiện. Đến nay, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong cả nước đạt 97,5%. Dù đã có những chuyển biến nhất định, song việc ngăn chặn vi phạm IUU vẫn chưa triệt để.

Để chuẩn bị cho đợt làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ 4 vào tháng 10/2023, Bộ NNPTNT đề nghị toàn ngành ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Hoàn thiện cơ chế pháp lý và bộ công cụ để quản lý; đối với công tác quản lý đội tàu, hoàn thành 100% dữ liệu đăng ký, cấp phép, đăng kiểm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; thực hiện truy xuất nguồn gốc sản lượng trong nước bằng việc giám sát 100% sản lượng sản phẩm bốc dỡ qua cảng, đồng thời truy xuất nguồn gốc được các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam; thực thi pháp luật nghiêm khắc, xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về IUU; tăng cường hợp tác quốc tế liên quan tới lĩnh vực này.

Thông tin về vấn đề IUU và chuyến kiểm tra của Ủy ban châu Âu - EC trong tháng 10 tới đây, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, cùng với đó là các quy định về pháp luật cũng đã hoàn thiện. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay của IUU đó là vi phạm ở vùng biển nước ngoài, đây là yếu tố quyết định đến việc có gỡ được thẻ vàng IUU hay không.

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản, nguyên nhân của hiện tượng này là do sự chênh lệch giữa các địa phương, có nơi làm tốt, có nơi không cương quyết, ngại va chạm. Bên cạnh đó, còn thiếu sót trong ghi chép nhật ký, quản lý tàu ra vào nên cần tiếp tục kiểm soát, đẩy mạnh công tác ghi chép nhật ký, theo dõi hành trình cho các tàu cá. Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền và mạnh tay trong thanh tra xử phạt…

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để sớm gỡ được “thẻ vàng” IUU trong đợt thanh tra lần thứ 4 của Đoàn thanh tra EC vào tháng 10 tới, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU đã họp để chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 4 của Đoàn thanh tra EC, trong đó tập trung vào một số vấn đề quan trọng, cấp bách.

z4738382145969_e852d4329be78eb35e68cafcc4b52644.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: N.Lộc

Thứ nhất, hoàn thiện 2 văn bản quy phạm pháp luật, gồm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trước khi Đoàn thanh tra EC sang kiểm tra và "chắc chắn sẽ xong trước khi Đoàn thanh tra EC sang".

Thứ hai, về truy xuất nguồn gốc, phải đưa ra những trường hợp cụ thể mà chúng ta đã xử phạt nghiêm. Điều này để khi EC sang, họ thấy rằng từ đợt kiểm tra thứ 3 sang đợt kiểm tra thứ 4 chúng ta đã nghiêm túc thực hiện.

Thêm một việc nữa là không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bộ NNPTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các tỉnh để từ nay đến khi EC sang không còn tàu vi phạm. Tình trạng này năm nay tuy đã giảm hơn so với năm 2022 nhưng vẫn là sự bất lợi của Việt Nam trên hành trình gỡ "thẻ vàng" thủy sản.  

c-thuy.jpg
Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ trao đổi với báo chí. Ảnh: N.Lộc

Bộ cũng đã trình lên Chính phủ Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Hiện Hội đồng Quốc gia đang thẩm định Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã có ý kiến, đang giải trình, tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng, dự kiến sẽ phê duyệt trong quý 3/2023.

“Bộ đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các chương trình, đề án, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng tới phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, chống khai thác IUU, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - ông Tiến cho biết.

Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo các đơn vị cũng tập trung trao đổi đối với vấn đề này, trong đó có việc ứng dụng khoa học công nghệ vào theo dõi, phát hiện các chủ tàu vi phạm trong đánh bắt thủy sản…

Ngoài ra, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ cũng thông tin đến báo chí nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, như vấn đề bảo vệ rừng; thông tin về các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm; quản lý thuốc bảo vệ thực vật; phát triển các ngành hàng chủ lực, phục vụ cho xuất khẩu... 

Sau 9 tháng năm 2023, tăng trưởng của ngành nông nghiệp ước đạt 3,66% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu nông sản đạt gần 38,5 tỷ USD, nhiều mặt hàng nông sản tăng trưởng vượt bậc.

Trong đó, dù giảm so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu thủy sản 9 tháng vẫn đạt trên 6,6 tỷ USD. Việc gỡ “thẻ vàng” sẽ tạo động lực, cơ hội quan trọng cho ngành thủy sản bứt phá trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến

Cùng chuyên mục
Sớm gỡ “thẻ vàng”, đưa thủy sản Việt vào thị trường châu Âu