Tận dụng tiềm năng, chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển sản phẩm OCOP

(BKTO) - Từ năm 2020 đến nay, 28/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã phát triển được 2.140 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt 5 sao, 1.365 sản phẩm được phân hạng 4 sao, còn lại 757 sản phẩm đạt 3 sao OCOP.

thach-that-1.jpeg
Nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày, quảng bá tại sự kiện Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn Hà Nội năm 2023. Ảnh: hanoi.gov.vn

Hà Nội đã phát triển được 2.140 sản phẩm OCOP

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, trong số 6 sản phẩm OCOP được cấp 5 sao của Hà Nội, huyện Gia Lâm có đến 5 sản phẩm; sản phẩm 5 sao OCOP còn lại thuộc về chủ thể ở huyện Mỹ Đức.

Huyện Đông Anh là địa phương dẫn đầu với 185 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Tiếp đến là các huyện: Phú Xuyên 177 sản phẩm, Thường Tín 166 sản phẩm, Chương Mỹ 145 sản phẩm, Thạch Thất 142 sản phẩm…

Năm 2023, Hà Nội phấn đấu tiếp tục đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Tính đến nay, đã có 23/30 quận, huyện, thị xã đăng ký phát triển 375 sản phẩm OCOP. Các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ minh chứng để đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP trong thời gian tới.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, UBND Thành phố Hà Nội đã có Kế hoạch số 312/KH-UBND về Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn TP năm 2023.

Theo đó, Thành phố sẽ phát triển tối thiểu 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, xây dựng 5 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây.

Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã tổ chức 2 sự kiện Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn Thành phố Hà Nội với sự tham gia của khoảng 50 gian hàng (mỗi sự kiện) của hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ Hà Nội và Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lào Cai, Yên Bái…

Sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền  được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì. Đồng thời, các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. 

Tìm kiếm thị trường, kết nối cung cầu theo chuỗi

Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thời gian qua, Hà Nội đã quan tâm, tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại; tổ chức các tuần hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã rất đa dạng, góp mặt tại hầu hết các nhóm lĩnh vực, từ thực phẩm, đồ uống, thảo dược, đến vải - may mặc, đồ lưu niệm, nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP từ các hợp tác xã còn rất lớn. 

Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP không dễ tìm đầu ra, nhất là tại hệ thống siêu thị. Điều này cho thấy sự liên kết giữa hệ thống siêu thị và các kênh bán lẻ với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất chưa chặt chẽ. Thêm vào đó, lợi thế của thương mại điện tử cũng chưa được tận dụng triệt để.

Như vậy, để đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, vấn đề quan trọng là các chủ thể OCOP cần  tìm kiếm thị trường, kết nối cung cầu theo chuỗi. Trong đó, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội vừa tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để các hợp tác xã, doanh nghiệp tích cực phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, vừa thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các tỉnh nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã hỗ trợ hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả; ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm thu hút người tiêu dùng.

 Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ quan quản lý cần liên kết chặt chẽ để các sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng, miền, sản xuất với sản lượng ổn định, có đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng quy định và đơn hàng lớn cho doanh nghiệp bán lẻ./.

Cùng chuyên mục
Tận dụng tiềm năng, chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển sản phẩm OCOP