Tăng lương hưu để đảm bảo an sinh cho người cao tuổi

(BKTO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu cho tất cả những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng từ ngày 01/7/2023. Dù đây mới chỉ là đề xuất nhưng nhiều người nghỉ hưu cảm thấy rất phấn khởi.

luong-huu.jpg
Việc tăng lương hưu cũng là giải pháp quan trọng để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi. Ảnh: Internet

Tin vui với người cao tuổi sống nhờ lương hưu

Bộ LĐTBXH vừa có Văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến xây dựng Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, tại Dự thảo Tờ trình nghị định, Bộ LĐTBXH đề xuất tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Bộ LĐTBXH cũng đề xuất hỗ trợ thêm đối với những người có mức lương hưu thấp. Cụ thể, theo Dự thảo, người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định trên thấp hơn 3 triệu đồng/tháng thì mức điều chỉnh cụ thể như sau:

Tăng thêm 300 nghìn đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2,7 triệu đồng/người/tháng trở xuống.

Tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2,7 đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, do trong năm 2022, chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu mà không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, những người lao động có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định khi nghỉ hưu, hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng từ ngày 01/01/2022 cho đến trước ngày 01/7/2023 sẽ thấp hơn 7,4% so với những người nghỉ hưu trước ngày 01/01/2022 (cùng quá trình công tác, cùng hệ số lương). Lý do là trong thời gian này, người lao động không được điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH vì lương cơ sở chưa được điều chỉnh.

Chính vì thế, với những người đã nghỉ hưu thuộc trường hợp trên, Bộ LĐTBXH đề xuất tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023.

Dù mới đang là đề xuất nhưng khi biết tin, bà Nguyễn Thị Hằng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã rất phấn khởi. Sau gần 30 năm làm tạp vụ về hưu, bà có mức lương hưu hằng tháng chỉ vỏn vẹn hơn 2,2 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này không thể đủ trang trải cuộc sống hằng ngày nên bà phải nhận trông trẻ thêm tại nhà.

Nhờ trông trẻ mỗi tháng, bà cũng có thêm từ 5 đến 7 triệu đồng. Số tiền này cộng với lương hưu nếu không ốm đau cũng giúp bà đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, bà không thể trông trẻ mãi được, nhất là khi nay đau mai ốm vì bệnh người già. Chính vì vậy, lương hưu mới là khoản tích lũy bền vững nhất.

“Dù mới là đề xuất ban đầu nhưng tôi đã rất phấn khởi, nếu được Chính phủ đồng ý thì mức lương hưu của tôi sẽ được 3 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng, tôi được tăng những 800 nghìn đồng. Đây là khoản rất quý với những người về hưu lương thấp như tôi” - bà Hằng chia sẻ.

Đảm bảo lưới an sinh bền vững cho người cao tuổi

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (phương án trung bình), đến năm 2029, số người cao tuổi Việt Nam sẽ đạt 17,28 triệu người (chiếm 16,53% dân số, tăng 5,87 triệu người so với 10 năm trước đó (2019), bình quân mỗi năm tăng 587 nghìn người. Đến năm 2039, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ là 22,799 triệu người (chiếm 20,57% dân số), năm 2049 sẽ đạt 28,61 triệu người (chiếm 24,88% dân số).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tuổi càng tăng thì tỷ lệ người cao tuổi có sức khỏe yếu càng cao, số bệnh mắc phải càng lớn và thời gian nằm bệnh càng dài. Điều này đòi hỏi phải chăm sóc người cao tuổi nhiều hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, sự hỗ trợ người cao tuổi ngày càng khó khăn, nhất là ở khu vực thành thị. Số người cao tuổi gia tăng nhanh chóng đặt gánh nặng lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình, gây tình trạng căng thẳng có thể dẫn đến tình trạng ngược đãi người cao tuổi.

Thực tế cho thấy, già hóa dân số là một lĩnh vực cần sự quan tâm sâu sát của các nhà hoạch định chính sách. Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý và chính sách để bảo vệ quyền của các cá nhân khi về già, việc tăng lương hưu cũng là giải pháp quan trọng để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng này, nhất là hiện nay, đa số người cao tuổi có mức lương hưu thấp dưới mức sống tối thiểu.

Theo các chuyên gia, lương hưu là yếu tố cần thiết đảm bảo cuộc sống cho mỗi người khi về già, tránh sự phụ thuộc vào con cháu và gánh nặng cho xã hội.

Tuy nhiên, hệ thống hưu trí Việt Nam hiện được thiết kế đơn tầng, độ bao phủ còn hạn chế với 2 chế độ hưu trí: Một là dựa trên đóng góp của người lao động, doanh nghiệp (thuộc BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện), hai là không dựa trên đóng góp (hưu trí xã hội, do ngân sách nhà nước chi trả, dành cho người trên 80 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH khác và cho người 60 - 79 tuổi dựa trên gia cảnh).

Tính chung 2 chế độ hưu trí này chỉ đảm bảo cho khoảng 40% người cao tuổi, số còn lại không có lương hưu và trợ cấp. Già hóa dân số nhanh và hệ thống hưu trí đơn tầng có thể coi là hai yếu tố cộng hưởng gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.

Trước thực tế này, PGS,TS. Giang Thanh Long - Đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng, Việt Nam nên thiết kế hệ thống hưu trí đa tầng, linh hoạt độ tuổi hưởng lương hưu để giải quyết vấn đề rút BHXH một lần và già hóa dân số.

Theo đó, với BHXH bắt buộc, có thể “linh hoạt” hưởng lương hưu và nên điều chỉnh linh hoạt theo hướng tuổi làm việc ở công sở theo quy định, nhưng tuổi nghỉ hưu nói chung với người lao động thì không quy định cứng. Người lao động có thể đóng BHXH bình thường và tự chọn đăng ký nghỉ hưu ở độ tuổi muộn hơn.

Ngoài ra, Chính phủ nên thiết kế một hệ thống hưu trí đa tầng với công thức hưởng khác nhau. Tầng dưới cùng dành cho lao động hưởng lương hưu dựa trên những năm đóng BHXH ở mức thu nhập tối thiểu. Hưu trí tầng này do Nhà nước phụ trách và nếu mức hưởng thấp hơn mức lương tối thiểu thì bù thêm./.

Cùng chuyên mục
  • Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lao động, việc làm
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2023, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản về thị trường lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp…
  • Dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc tại một số địa phương
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thông báo tiếp tục dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc đối với người ở 8 huyện, thành phố thuộc 4 tỉnh: Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh do có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp.
  • Hội Báo toàn quốc 2023: Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hội Báo toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo” sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 17 đến 19/3), tại Bảo tàng Hà Nội, thu hút 87 gian trưng bày các ấn phẩm báo Xuân và các ấn phẩm báo chí tiêu biểu năm 2022 và quý I/2023, với sự góp mặt của 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 60 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương…
  • Cấp bách gỡ vướng trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trước tình trạng nhiều bệnh viện thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt với nhiều biện pháp nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của nhân dân. Đặc biệt, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
  • Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng nhà ở xã hội, căn hộ tái định cư
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. TP. Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng hàng nghìn căn hộ cho người thu nhập thấp, tái định cư, nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cần nhìn lại các khu dân cư đã được xây dựng cho những mục đích ấy đang bị bỏ hoang để có hướng đi hợp lý, hiệu quả.
Tăng lương hưu để đảm bảo an sinh cho người cao tuổi