Tăng số lượng, nâng cao chất lượng kiểm toán chuyên đề

NGUYỄN ĐỨC TÍN - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V | 22/02/2024 05:53

(BKTO) - Xác định kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) đóng vai trò ngày càng quan trọng và là lĩnh vực kiểm toán khó, đòi hỏi lãnh đạo đơn vị chủ trì kiểm toán, các kiểm toán viên cần không ngừng nỗ lực nghiên cứu, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

7.jpg
Tổ chức tập huấn kỹ trước khi kiểm toán sẽ giúp quá trình kiểm toán được thuận lợi, hiệu quả. Ảnh: N.LỘC

Ngày càng chú trọng kiểm toán chuyên đề…

Thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 là tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường và các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới, những năm qua, KTNN khu vực V đã chú trọng tăng số lượng và chất lượng KTCĐ. Thông qua KTCĐ, đơn vị hướng đến đánh giá sâu và toàn diện một lĩnh vực, hoạt động trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhằm đáp ứng yêu cầu giám sát của Quốc hội và công tác điều hành, quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Đơn cử như năm 2021, đơn vị chỉ kiểm toán 2 chuyên đề thì năm 2022 là 3 chuyên đề, năm 2023 là 4 chuyên đề và trong năm 2024 đã được giao thực hiện 4 cuộc KTCĐ, trong đó đơn vị đã ưu tiên chọn các chuyên đề toàn ngành để KTNN có đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện của nhiều địa phương trên cả nước (năm 2023 và năm 2024 đều có 3/4 chuyên đề kiểm toán là chuyên đề toàn ngành).

Một số cuộc KTCĐ đơn vị mới thực hiện lần đầu như: Chuyên đề quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị (năm 2021); chuyên đề quản lý nhà nước về đất đai, chuyên đề quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất (năm 2022); chuyên đề quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, chuyên đề quản lý, sử dụng kinh phí dịch vụ công, quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ (năm 2023) và đơn vị đã thực hiện tốt, có nhiều kết quả, kiến nghị kiểm toán có chất lượng...

Qua kiểm toán, đơn vị đã có một số phát hiện nổi bật như: Địa phương chưa ban hành quy chế quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị và quy định cụ thể về quy hoạch xây dựng công trình để quản lý quy hoạch; một số chỉ tiêu chính về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tại đồ án quy hoạch phân khu không đạt so với yêu cầu, không đạt quy chuẩn quy hoạch, không đạt các chỉ tiêu theo định hướng phát triển đô thị, một số khu vực của quy hoạch phân khu chưa phù hợp với quy hoạch chung… (Chuyên đề quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị); Bảng giá đất có một số nội dung chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực hiện; việc xây dựng, phê duyệt giá đất cụ thể để thu tiền sử dụng đất đối với nhiều dự án xây dựng đô thị, nhà ở kéo dài nhiều năm, trong khi đó pháp luật lại không quy định về thời hạn phải hoàn thành việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất… (Chuyên đề quản lý nhà nước về đất đai); Chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu môi trường do địa phương quản lý; cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ kiểm tra để phát hiện các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chưa rà soát, kiểm tra quy chuẩn của nước thải tại các cơ sở thông qua hệ thống xử lý cục bộ trước khi xả thải ra hệ thống thoát nước, kết quả phân tích mẫu quan trắc nước sông nơi xả thải cho thấy có một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn… (Chuyên đề quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất)…

Khi KTCĐ lồng ghép với cuộc kiểm toán khác, nhiệm vụ KTCĐ phải là nhiệm vụ chính. Như đối với chuyên đề quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được lồng ghép vào kiểm toán ngân sách địa phương vừa qua, đơn vị đã giao nhiệm vụ cho 1 tổ kiểm toán với các kiểm toán viên có năng lực thực hiện trong thời gian 30 ngày, nhờ đó đã đạt kết quả tốt, có nhiều phát hiện kiểm toán có chất lượng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán

Từ kinh nghiệm thực tiễn qua triển khai kiểm toán của đơn vị, để cuộc KTCĐ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin có giá trị cho hoạt động giám sát, điều hành, quản lý của các cấp, theo tôi, cần lưu ý đến các việc sau:

Thứ nhất, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán phải đúng, trúng, đó là các lĩnh vực, hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có nhiều tồn tại, hạn chế cần phải chấn chỉnh, cũng như có nhiều bất cập, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan; đồng thời phải phù hợp với chuyên môn, năng lực của kiểm toán viên nhà nước. Muốn vậy, đơn vị chủ trì kiểm toán phải tổ chức khảo sát, nắm bắt đầy đủ các thông tin, số liệu, tình hình thực hiện của lĩnh vực, hoạt động dự kiến chọn KTCĐ tại các đơn vị có liên quan, đánh giá được sự cần thiết phải kiểm toán và khả năng thực hiện của kiểm toán viên để có cơ sở lựa chọn chủ đề cho đúng.

Thứ hai, lựa chọn phương án tổ chức thực hiện cho phù hợp, thực hiện cuộc kiểm toán độc lập hay lồng ghép vào cuộc kiểm toán khác phải đảm bảo được chất lượng kiểm toán. Nếu cuộc KTCĐ có nhiều đơn vị được kiểm toán và cần 2 tổ kiểm toán trở lên thì nên thực hiện thành 1 cuộc kiểm toán độc lập; ngược lại chỉ cần 1 tổ kiểm toán thực hiện thì có thể bố trí lồng ghép vào cuộc kiểm toán khác như lồng ghép vào các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương.

Thứ ba, cần chuẩn bị tốt cho việc thực hiện kiểm toán, đó là ngoài việc xây dựng đề cương kiểm toán, thì phải chú trọng đến việc tập huấn về các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến chuyên đề và trao đổi về khả năng xảy ra sai sót tại các đơn vị được kiểm toán. Không chỉ với các chuyên đề kiểm toán nội dung mới, chưa từng thực hiện, mà ngay cả các cuộc KTCĐ có những nội dung đã được kiểm toán trước đó cũng cần phải tập huấn kỹ lưỡng, do trước đây chỉ kiểm toán một phần công việc, không toàn diện như khi KTCĐ (như cuộc KTCĐ về quản lý, sử dụng kinh phí dịch vụ công mà đơn vị đã thực hiện trong năm 2023).

Thứ tư, cần chú trọng hơn nữa đến việc phát hiện các vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật để có kiến nghị sửa đổi bổ sung, hoàn thiện. Với việc tập trung nhân sự và thời gian để kiểm toán sâu một lĩnh vực, đoàn kiểm toán có nhiều điều kiện thu thập thông tin, số liệu; đánh giá tác động cũng như các vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Thực hiện tốt mục tiêu này thì vai trò của KTNN trong hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật càng được nâng cao hơn.

Cuối cùng, đối với cuộc KTCĐ toàn ngành, cần có đầu mối chịu trách nhiệm chung để thống nhất trong tổ chức thực hiện cũng như trong xử lý các vướng mắc phát sinh khi thực hiện kiểm toán, trong đưa ra kiến nghị đối với các phát hiện kiểm toán, tránh mỗi đơn vị có cách làm, cách xử lý khác nhau. Các đơn vị cần tăng cường trao đổi với đơn vị đầu mối được giao chủ trì chuyên đề. Việc này sẽ đảm bảo cho việc thực hiện và xử lý phát hiện kiểm toán của các đơn vị được thống nhất, từ đó, nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp kết quả KTCĐ toàn ngành./.

Cùng chuyên mục
Tăng số lượng, nâng cao chất lượng kiểm toán chuyên đề