Hành trình đặc biệt...
Chuyến ấy, Phó trưởng Đoàn kiểm toán Nguyễn Quang Hợp - Trưởng phòng Tổng hợp (KTNN khu vực VII) là người chủ trì Đoàn và đưa chúng tôi theo suốt hành trình ở Mường La để tận thấy cuộc sống của người dân vùng tái định cư và ghi nhận về một cuộc kiểm toán đặc biệt: Kiểm toán hoạt động Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La (theo Quyết định kiểm toán số 899/QĐ-KTNN ngày 26/6/2023).
Để giúp chúng tôi hiểu thêm về tính chất cuộc kiểm toán, anh Nguyễn Quang Hợp chia sẻ: Ngoài đánh giá tính tuân thủ, việc chấp hành pháp luật, Đoàn còn hướng đến đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng tiền và tài sản của Nhà nước đầu tư cho vùng tái định cư… Do đó, khác với những cuộc kiểm toán khác là chỉ làm việc dựa trên hồ sơ, chứng từ và trao đổi với cơ quan chức năng, cuộc này, Đoàn kiểm toán còn làm việc trực tiếp với các đối tượng có liên quan, bao gồm cả đối tượng thụ hưởng là người dân để đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách…
Bởi thế, trước khi thực hiện, các thành viên đã được tập huấn rất kỹ, rồi quá trình chuẩn bị cũng vài tháng trời, các nội dung công việc chỉ nhìn thôi cũng muốn "ngộp thở". Cuộc kiểm toán có khoảng 7 nội dung kiểm toán lớn với hàng chục tiêu chí quan trọng được đặt ra. Thậm chí, địa bàn kiểm toán cụ thể lại có những tiêu chí cụ thể.
“Như nội dung kết quả thực hiện các mục tiêu của Đề án, Đoàn kiểm toán sẽ có các tiêu chí đánh giá riêng như việc bố trí, sắp xếp ổn định đời sống cho 500 hộ dân tái định cư ven hồ thủy điện chưa có điều kiện ổn định đời sống, phát triển sản xuất do thiếu đất…” - Kiểm toán viên Trần Đình Dương chia sẻ.
Chưa kể, một hệ thống phụ lục, mẫu biểu với những ma trận con số và yêu cầu chuyên ngành sâu như: mức trọng yếu tổng thể, mức trọng yếu thực hiện, ngưỡng sai sót rồi hàng loạt công cụ để phục vụ việc đo lường kết quả triển khai chương trình… Tất cả gói chung trong một tập hồ sơ cũng cỡ đôi trăm trang giấy A4...
Cuộc kiểm toán hoạt động Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La được xếp loại xuất sắc năm 2023. Qua kiểm toán, ngoài việc kiến nghị xử lý tài chính, Đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước khu vực VII đã kiến nghị chấn chỉnh bất cập trong công tác quản lý, sử dụng vốn; việc quản lý đầu tư xây dựng…, từ đó góp phần nâng tính hiệu lực, hiệu quả của Đề án.
Vượt qua cung đường ngoằn ngoèo với những khúc cua tay áo vùng Tây Bắc, Đoàn ghé vào khu tái định cư Nà Ngòi (xã Hua Trai), điểm đến đầu tiên trong hành trình ở Mường La.
Tiếp Đoàn là Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tâm, người đã chờ sẵn tại công trình giao thông dẫn vào khu tái định cư - nơi Đoàn kiểm toán sẽ thực hiện kiểm đếm, đánh giá theo kế hoạch kiểm toán. Phó Chủ tịch huyện là người dưới xuôi, nhưng đã ăn ở xứ này đến hai ba thế hệ nên rất hiểu cội nguồn, văn hóa nơi đây.
Nói xa gần để dẫn vào câu chuyện, vị Phó Chủ tịch chia sẻ, trước yêu cầu của Trung ương là giải phóng mặt bằng công trường thủy điện Sơn La và vùng lòng hồ tích nước, đầu tháng 10/2005, chiến dịch 60 ngày đêm di dân đến vùng tái định cư bắt đầu. Hàng loạt khu tái định cư sau đó được mọc lên, trong đó có xã Hua Trai và xã Chiềng Lao - điểm đến sắp tới của chúng tôi. “Sự chăm lo của Nhà nước, cộng hưởng với nỗ lực của người dân đã giúp mảnh đất nở hoa. Niềm vui như nhân lên khi năm vừa rồi huyện đã thoát nghèo” - ông Tâm phấn khởi cho biết.
Dấu chân Người kiểm toán...
Nhìn những nếp nhà mái Thái đỏ xanh khang trang, sạch sẽ xen lẫn những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc, ai nấy đều thấy phấn khởi. Người dân nhường đất, nhường nơi “chôn nhau cắt rốn” cho thủy điện quốc gia để lên đây, họ xứng đáng có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó cũng là mong mỏi của Đoàn kiểm toán.
Bên ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, chị Quàng Thị Du cho biết, gia đình đã quen với cuộc sống mới vùng tái định cư. Gia đình nay đã thoát nghèo, trẻ con được đến trường, cuộc sống ngày càng tiện nghi, không còn cảnh đói mùa giáp hạt. Nhiều tập quán lạc hậu cũng đã được gia đình chị và bà con trong vùng thay thế bằng nếp sống mới như xây chuồng trại cho gia súc thay vì chăn thả, nuôi nhốt dưới chân nhà sàn; động viên cho trẻ trong độ tuổi đến trường…
“Sự thay đổi này còn có đóng góp lớn của cơ quan Kiểm toán nhà nước cùng những kiến nghị điều chỉnh nhiều chính sách phù hợp hơn với thực tiễn địa bàn, mang lại lợi ích cho bà con” - Phó Chủ tịch huyện nói và chia sẻ thêm, các kiến nghị kiểm toán rất xác đáng, thuyết phục, hợp tình, hợp lý.
Chẳng thế mà nhiều năm gần đây, các đồng chí trong thường vụ chỉ đạo quyết liệt lắm. Không đâu xa, như năm vừa rồi, mấy đơn vị bị cắt thi đua vì chậm trễ trong thực hiện kiến nghị; rồi cả mấy nhà thầu bị “cấm cửa” tham gia dự án, vì lơ là thực hiện...
Trời đã xế trưa. Dưới cái nắng hanh hao, ngột ngạt bất thường của vùng đất có độ cao cả nghìn mét so với mực nước biển, các kiểm toán viên vẫn hăng say với công việc. Kiểm toán viên Dương tranh thủ giở lại kết quả đánh giá của Đoàn kiểm toán về vấn đề này từ các năm trước để xem sự chuyển biến ra sao; đời sống của người dân và những tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội có đạt kế hoạch?…
“Nếu không phải là kiểm toán hoạt động, mà chỉ lồng ghép trong kiểm toán ngân sách thì không thể đánh giá vấn đề được cặn kẽ như thế và càng không thể có được nhìn nhận toàn diện về chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước liên quan đến tái định cư” - Dương chia sẻ, rồi cho chúng tôi hay, cái chất của kiểm toán hoạt động, đó là còn nêu được những vấn đề thời sự, bất cập của cuộc sống để kịp thời kiến nghị sửa đổi, chứ không chờ niên hạn.
Đúng, kiểm toán là phải thế. Không chỉ dừng lại ở những đánh giá phục vụ công tác quản lý, điều hành vĩ mô, yêu cầu mới đòi hỏi kiểm toán nhà nước phải đi sâu vào điểm "nóng", những vấn đề dân sinh bức xúc. Điều này đã được chỉ rõ trong Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030. Rồi kế hoạch kiểm toán trung hạn, hằng năm đã định lượng đâu ra đó; loại hình kiểm toán mới, nội dung gắn với dân sinh cũng chiếm tỷ lệ kha khá... Kết quả kiểm toán phản ánh toàn diện, đa chiều, xuyên suốt nhiều thời kỳ, song phải mang hơi thở của cuộc sống - đó là yếu tố rất quan trọng mà người kiểm toán cần nắm vững để điều chỉnh mình theo dòng chung ấy.
Trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển Kiểm toán nhà nước (11/7/1994-11/7/2024), các kiểm toán viên nhà nước bằng khát vọng, trách nhiệm và niềm tự hào nghề nghiệp đã tạo nên những kết quả kiểm toán có giá trị, góp phần vào sự minh bạch trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công của đất nước.
Tiếp bước truyền thống vẻ vang đó, cùng với toàn Ngành, các kiểm toán viên nhà nước hôm nay vẫn nỗ lực không ngừng thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước, để đắp xây giá trị, tạo dựng hình ảnh Kiểm toán nhà nước uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp; Kiểm toán viên nhà nước "pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông" như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước.
“Nói vậy là sẽ còn nhiều hơn nữa những chuyến đi như Mường La?” - tôi hỏi.
“Còn nhiều nữa, có nơi còn vất vả hơn, gian khó hơn! Chẳng thế mà các kiểm toán viên nhà nước ai cũng nằm lòng câu “Là Kiểm toán viên ta ngại chi gian khó/ Vững bước đi lên Tổ quốc trao cho mình” - Dương lảy một câu trong bài “Hành khúc Kiểm toán viên” thay cho điều muốn nói.
Nắng quá đỉnh đầu, chiếc xe lại thẳng tiến, đưa Đoàn đến những vùng xa “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc”... Chứng kiến sự hăng say, trăn trở với công việc của các Kiểm toán viên nhà nước, chúng tôi luôn mong và tin các anh sẽ giữ mãi chất riêng của Người kiểm toán “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng” để viết tiếp những hành trình không mỏi “Vì một ngày mai, vì Tổ quốc mạnh giàu”...