Doanh nghiệp đã tham gia đào tạo nghề nhưng tỷ lệ còn khiêm tốn
Tại Hậu Giang, từ đầu năm đến cuối tháng 8/2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A đã mở được 12 lớp đào tạo nghề đặt tại DN ở Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A và Khu cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp TP. Vị Thanh.
Theo đó, Trung tâm đã phối hợp mở được 6 lớp đặt tại Công ty TNHH Lạc Tỷ II (huyện Châu Thành A) và 6 lớp đặt tại Công ty TNHH JIA ZHI (TP. Vị Thanh). Mỗi lớp đào tạo có 25 học viên.
Với vai trò là cầu nối cho người lao động và người sử dụng lao động, để đáp ứng nhu cầu thực tế của DN, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A đã chủ động phối hợp với DN xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo cho các lớp học này.
Đây là một trong những đơn vị đầu tiên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Hậu Giang triển khai hình thức đào tạo nghề đặt tại DN. Bằng hình thức đào tạo này, nhiều lao động đã được DN nhận vào làm việc sau khóa đào tạo và được đánh giá có tay nghề khá tốt.
Thực tiễn tại Hậu Giang cũng như một số địa phương khác cho thấy, mô hình trường trong DN, gắn đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động ngay trong DN, các khu công nghiệp, các khu chế xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực cho cả người lao động và DN. Sự chủ động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc phối hợp mở các lớp đào tạo nghề đặt tại DN đã và đang góp phần rất lớn trong việc giải quyết bài toán về việc làm cho lao động.
Ngoài mô hình trên, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhiều mô hình gắn kết khác đã cho thấy chất lượng và hiệu quả đào tạo như: Mô hình gắn kết đào tạo nghề giữa DN trong nước với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giữa DN FDI với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo song hành...
Nhìn chung, DN tham gia hợp tác đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động đã chuyển biến tích cực ở cả ba loại hình DN với sự đa dạng về mô hình gắn kết đào tạo, công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ DN tham gia hợp tác đào tạo kỹ năng nghề mới đạt khoảng 12%. Trong đó, DN nhà nước, DN tư nhân, DN FDI tham gia đào tạo kỹ năng chiếm tỷ lệ tương ứng khoảng 31%, 10% và 16%.
Kết quả khảo sát của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp năm 2020 cho thấy, trong số 89 nghìn DN tham gia hợp tác đào tạo kỹ năng nghề, hình thức hợp tác phổ biến nhất là tiếp nhận người học đến thực tập tốt nghiệp tại DN (chiếm 62,54%), tham gia đánh giá kết quả học tập của người học nghề chỉ chiếm 10,23%.
DN tham gia hoạt động đánh giá, công nhận, chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề nghiệp còn rất khiêm tốn. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo quy định chưa được DN thực hiện đầy đủ.
Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong đào tạo nghề
Ông Tô Xuân Giao - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam - cho rằng: Kỹ năng nghề là một trong các điều kiện tiên quyết cần phải có trong đội ngũ lao động của DN, quy mô DN càng lớn thì điều này đòi hỏi càng cao hơn. Nguồn nhân lực chất lượng cao khi “chảy” vào bất cứ một DN nào đều quyết định sự phát triển cũng như sự tồn vong của DN.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, sự tham gia của các DN trong lĩnh vực phát triển kỹ năng đóng vai trò quan trọng. Tăng cường liên kết ngành và DN là một cách hiệu quả để cải thiện mức độ phù hợp của các chương trình giáo dục sau phổ thông và đáp ứng nhu cầu kỹ năng của DN. DN và các cơ sở đào tạo cần có sự trao đổi, tham vấn thường xuyên để đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu kỹ năng đang thay đổi.
Dự thảo Đề án Nâng tầm Kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo đặt mục tiêu: Phấn đấu 80% lao động đang làm việc tại DN được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng, năng lực cơ bản; tiến tới phổ cập kỹ năng, năng lực cơ bản cho người lao động vào năm 2030.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Dự thảo Đề án đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về phối hợp giữa Nhà nước - DN - Cơ sở đào tạo và các bên liên quan khác trong việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với quá trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của người lao động.
Đối với các DN, người sử dụng lao động tham gia tư vấn, định hướng nghề nghiệp (tổ chức thực tập nghề, thực hành nghề tại DN để hướng nghiệp cho người học), hoặc tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tại DN, hỗ trợ người lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề tại DN, chi phí tham gia được tính hợp lý để xác định thuế thu nhập DN.
Dự thảo Đề án cũng hướng tới thúc đẩy vai trò dẫn dắt của DN trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao và chuẩn hóa bậc trình độ kỹ năng nghề gắn với việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động.
Giới chuyên gia cho rằng, những nội dung trên của Dự thảo Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích cộng đồng DN phát huy vai trò chủ động dẫn dắt các hoạt động nhằm phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động để góp phần cải thiện năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế./.