Tạo hành lang pháp lý để quản lý nhà, đất không dùng để ở

(BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý nhằm khắc phục tình trạng lúng túng trong việc quản lý nhóm nhà, đất này do chưa có quy định.

14.jpg
Nhiều địa phương còn lúng túng trong quản lý, vận hành, khai thác và xử lý đối với quỹ nhà, đất. Ảnh minh họa: P.TUÂN

Chưa có quy định quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất không sử dụng để ở

Bộ Tài chính cho biết, pháp luật chuyên ngành chưa quy định riêng đối với việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng hiện giao cho các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý. Do vậy, các địa phương còn lúng túng trong quản lý, vận hành, khai thác và xử lý đối với quỹ nhà, đất này. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở nhà, đất sau khi thu hồi hoặc chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý nhưng chưa thể xử lý được ngay do phải điều chỉnh quy hoạch, nếu không đưa vào khai thác sẽ bị bỏ trống, lãng phí, trong khi nhu cầu thuê rất lớn, đặc biệt là việc cho thuê để thực hiện các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực xã hội hóa.

Hơn nữa, tài sản là nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác là tài sản công. Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý là cần thiết và có cơ sở pháp lý.

Dự thảo quy định: Quỹ nhà, đất do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý là tài sản công; UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý quỹ nhà, đất này ở địa phương. Cơ quan được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 14 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (chủ yếu là sở tài chính, sở xây dựng, sở tài nguyên và môi trường) có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan được thực hiện theo quy định tại Dự thảo Nghị định và phân công, phân cấp của UBND cấp tỉnh.

Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương có trách nhiệm quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất được giao theo quy định, đảm bảo duy trì và phát triển quỹ nhà, đất được giao, không làm thất thoát tài sản. Mọi hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Đề xuất 3 hình thức khai thác nhà, đất không sử dụng để ở

Tại Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất 3 hình thức quản lý, khai thác nhà, đất, gồm: Cho thuê nhà; bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tạm thời và quản lý theo nguyên trạng trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định. Tùy thuộc vào loại nhà, đất và yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn, địa phương sẽ quyết định hình thức cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nhất.

Việc cho thuê nhà (gắn liền với quyền sử dụng đất) của tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà phải thực hiện theo phương thức đấu giá, trừ trường hợp cho các tổ chức hội đặc thù được Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ cơ sở vật chất thuê nhà; cho học sinh, sinh viên thuê ký túc xá; cho thuê nhà có giá trị tiền thuê dưới 10 triệu đồng/năm; cho thuê đối với nhà (gắn liền với đất) trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật; cho đối tượng đang thuê được gia hạn thời hạn thuê nhà. Các trường hợp này được áp dụng theo phương thức niêm yết giá hoặc chỉ định. Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà quyết định phương thức cho thuê đối với từng trường hợp cụ thể. Thời hạn cho thuê tối đa 5 năm. Trường hợp cho thuê đối với nhà (gắn liền với đất) trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật, thời hạn tối đa 1 năm. Trường hợp gia hạn, thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn thuê lần đầu.

Thực tế thời gian qua cho thấy, Nhà nước có quỹ nhà, đất tạm thời nhàn rỗi nhưng các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước có nhu cầu sử dụng tạm thời trong thời gian chờ thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc chờ tiếp nhận trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp để quản lý, sử dụng lại phải thuê trụ sở bên ngoài, vừa phát sinh thêm chi phí, vừa ảnh hưởng tới hoạt động. Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo quy định trường hợp tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà có quỹ nhà chưa cho thuê thì được bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước sử dụng tạm thời. Sau khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm bàn giao lại tài sản cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà để quản lý, khai thác theo quy định. Trong thời gian được bố trí sử dụng tạm thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm sử dụng nhà, đất đúng mục đích được bố trí; thực hiện chi trả chi phí điện, nước, nhân công phục vụ, chi phí sửa chữa (nếu có) và các chi phí khác có liên quan.

Để chuyên nghiệp hóa việc quản lý quỹ nhà, đất trong thời gian chờ xử lý theo quy định, Dự thảo Nghị định giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà có trách nhiệm quản lý theo nguyên trạng (tổ chức thực hiện trông coi, bảo vệ tài sản theo nguyên trạng) đối với quỹ nhà, đất này. Trường hợp có nhu cầu cho thuê trong thời gian chưa thực hiện xử lý, tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà tổng hợp vào kế hoạch quản lý, khai thác nhà hằng năm để báo cáo UBND cấp tỉnh phê duyệt. Việc cho thuê chỉ được thực hiện ngắn hạn và khi có quyết định xử lý tài sản của cấp có thẩm quyền thì phải chấm dứt hợp đồng, thu hồi lại nhà, đất để xử lý theo quy định./.

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định nhằm tạo lập hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất là tài sản công giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, góp phần quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nhà, đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng chuyên mục
  • Cần minh bạch thông tin về đất đai
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Thời gian qua, một trong những điểm gây bức xúc dư luận trong lĩnh vực đất đai chính là khó tiếp cận các thông tin chuẩn xác về đất đai. Không minh bạch cũng là một trong những kẽ hở để các nhóm lợi ích núp bóng, dễ xảy ra tiêu cực, vi phạm. Để giải quyết tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, Luật đất đai sửa đổi cần luật hóa cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn quốc, kết nối và sử dụng công khai các dữ liệu này.
  • Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Sau 5 năm triển khai Chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, các cấp bộ Đoàn bằng nhiều giải pháp sáng tạo đã góp phần phát triển thanh niên toàn diện, khẳng định vai trò của Đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Tuy nhiên, so với nhu cầu, mong muốn của thanh niên và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp vẫn còn hạn chế.
  • Báo chí kiến tạo - tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Báo chí kiến tạo hay báo chí giải pháp đã chuyển tải nhiều ý tưởng, đề xuất, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia… đến cơ quan quản lý để góp phần giải quyết nhiều vướng mắc, bất cập trong xã hội.
  • Thái Bình: 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng căn cước công dân gắn chíp
    một năm trước Địa phương
    (BKTO) - Ngay từ tháng 3/2022, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh và Sở Y tế Thái Bình đã ban hành công văn hướng dẫn triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân (CCCD) trong khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Đến nay, 295/295 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp.
  • Lào Cai tiếp tục lan tỏa Chương trình tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
    một năm trước Địa phương
    (BKTO) - Ngày 13/12/2022, đoàn công tác của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Lào Cai đã tổ chức chương trình thiện nguyện trao quà tiếp sức xây dựng nông thôn mới tại xã Quan Hồ Thẩn và trao tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Si Ma Cai.
Tạo hành lang pháp lý để quản lý nhà, đất không dùng để ở