Tại buổi Tọa đàm khoa học “Xây dựng và phát triển kinh tế xanh cho TP. Hồ Chí Minh”, do Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức, nhiều chuyên gia nêu rõ, TP. Hồ Chí Minh không còn lựa chọn khác ngoài phát triển xanh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần lựa chọn và xây dựng lộ trình phù hợp cho từng lĩnh vực để đạt được mục tiêu phát khí thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh, kinh tế xanh đã áp sát và tác động lên mọi lĩnh vực trong xã hội. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, những doanh nghiệp chưa chuyển đổi xanh hóa sản xuất rất khó để có đơn hàng. Tương tự, trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu doanh nghiệp không chứng minh được sản phẩm trồng trên đất không phải là đất rừng tự nhiên cũng sẽ không thể xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia tham dự Tọa đàm cho rằng, nếu TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung không có giải pháp đầu tư nhằm xanh hóa hạ tầng (giao thông, logictics, xử lý chất thải, cung ứng nguồn năng lượng sạch thay cho năng lượng hóa thạch), sẽ rất khó để thu hút đầu tư nước ngoài.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, để Việt Nam có thể đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Chính phủ cần phải có chính sách đủ mạnh để tác động, làm chuyển đổi nhận thức cộng đồng. Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, tài chính, khoa học công nghệ, sản xuất phù hợp, hỗ trợ thành phần kinh tế chuyển đổi công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, tái tạo.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, cần tăng sản phẩm thực vật có tính đến yếu tố an toàn môi trường ngay từ khâu trồng trọt; đầu tư nhà máy xử lý chất thải thay cho xử lý bằng biện pháp chôn lấp; tăng diện tích mảng xanh cho rừng.
TP. Hồ Chí Minh cần có phương hướng quyết liệt triển khai để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh. Trong đó xác định rõ mục tiêu là đến năm 2050, thành phố đạt Net Zero. Mục tiêu này sẽ là cơ sở để Thành phố có chính sách hỗ trợ đầu tư và chuyển đổi mạnh các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và cơ sở hạ tầng theo hướng giảm bớt phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch và tạo khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.
Thực hiện bảo trợ sản xuất, cơ sở hạ tầng và người dân, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất, sinh hoạt sang năng lượng sạch. Bám sát thay đổi của thị trường quốc tế để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Có các cải cách, chính sách bổ sung đặc thù trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng nhằm kích thích các khoản đầu tư cần thiết từ cả hai phía công và tư. Chú trọng huy động đa dạng các nguồn tài chính trong và ngoài nước, bao gồm nguồn tài chính công, tài chính tư nhân, ngân hàng, trái phiếu xanh, chứng khoán xanh trong thời gian tới./.