Những hạn chế cần khắc phục trong kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương
Theo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận trong kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP trong năm 2022, 2023, việc lập kế hoạch kiểm toán tổng quát BCQT NSĐP của các đơn vị kiểm toán vẫn còn bất cập, hạn chế.
Bất cập đáng lưu ý là một số Đoàn kiểm toán chưa chuẩn bị tốt đề cương khảo sát thu thập thông tin, chưa rà soát, cập nhật những thay đổi, trọng tâm theo định hướng của Ngành dẫn đến bị động, thiếu thông tin trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán tổng quát.
Một số đơn vị chưa thu thập các thông tin cần thiết về các đơn vị trực thuộc nên khi lập kế hoạch kiểm toán phải điều chỉnh đầu mối kiểm toán, đặc biệt liên quan đến các dự án được kiểm toán chi tiết phải hiệu chỉnh tên dự án, điều chỉnh giảm dự án do dự án chưa có khối lượng thực hiện hoặc khối lượng thực hiện chưa đảm bảo tiêu chí kiểm toán.
Bên cạnh đó, việc phân tích thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu của một số đoàn còn chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện chưa đầy đủ theo quy định; thiếu tính kết nối giữa khâu đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, rủi ro kiểm toán với xác định trọng yếu kiểm toán, nội dung kiểm toán và phương pháp kiểm toán thích hợp.
Một số cuộc kiểm toán hoạt động xác định mục tiêu, nội dung kiểm toán còn chung chung hoặc quá rộng dẫn đến quá trình thực hiện khó đạt được mục tiêu kiểm toán; chưa xác định rõ các bằng chứng kiểm toán cần thu thập, cũng như phương pháp, thủ tục để thu thập bằng chứng kiểm toán.
Từ những bất cập nêu trên và từ thực tiễn kiểm toán BCQT NSĐP của các địa phương thời gian qua, đại diện KTNN khu vực XIII đề xuất cần tăng cường tập huấn Quyết định số 682/QĐ-KTNN ngày 11/5/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước về ban hành Hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP cho kiểm toán viên.
Bởi Hướng dẫn đã khá chi tiết và cụ thể về từng nội dung kiểm toán tại từng cơ quan quản lý tài chính tổng hợp, trong đó cũng chỉ rõ các tài liệu cần thu thập, cách thức thực hiện kiểm toán và các sai sót thường gặp.
Bổ sung Hướng dẫn, tăng cường trao đổi, tập huấn
Đồng thời, để tạo cơ sở cho các đơn vị kiểm toán xử lý triệt để các bất cập, hạn chế, Tổng Kiểm toán nhà nước cần chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung vào Hướng dẫn nội dung kiểm toán BCQT ngân sách cấp huyện tại các cơ quan quản lý tài chính tổng hợp cấp huyện (trong cuộc kiểm toán BCQT NSĐP), gồm: Phòng Tài chính - Kế hoạch, Chi cục Thuế và KBNN cấp huyện (kiểm toán không quá 50% số huyện và không trùng với các huyện đã kiểm toán NSĐP trong năm trước liền kề) để giảm bớt các khoản mục phải ngoại trừ khi KTNN đưa ra ý kiến xác nhận BCQT chi NSĐP, từ đó nâng cao thêm giá trị và độ tin cậy của các báo cáo kiểm toán BCQT NSĐP.
Việc kiểm toán BCQT NSĐP phải tiếp cận từ khâu lập, giao dự toán chi thường xuyên và kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản, việc điều chỉnh dự toán, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; việc chấp hành các quy định có liên quan đến thu NSNN, tổ chức hiện dự toán chi thường xuyên và kế hoạch đầu tư công, cũng như khóa sổ, lập BCQT NSĐP; việc xử lý số dư dự toán, chi chuyển nguồn; công tác xét duyệt BCTC của các đơn vị dự toán cấp tỉnh; công tác thẩm định BCQT ngân sách cấp huyện; công tác đối chiếu số liệu quyết toán giữa các cơ quan: Thuế, Tài chính, Hải quan, Kho bạc Nhà nước.
KTNN khu vực XIII
Còn theo lãnh đạo KTNN khu vực VII, lãnh đạo KTNN cũng cần hoàn thiện hệ thống chuẩn mực KTNN, đặc biệt liên quan đến Chuẩn mực KTNN 1600 (Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn) thông qua việc hướng dẫn cụ thể đối với kiểm toán báo cáo tài chính tổng hợp, trong đó có BCQT NSĐP theo chú giải của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI); đồng thời hoàn thiện các hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP theo hướng tập trung vào kiểm toán đưa ra ý kiến xác nhận BCQT.
Giải pháp quan trọng nữa đó là, bên cạnh việc sắp xếp, bố trí nhân sự các Đoàn kiểm toán hợp lý, với sự tham gia của những kiểm toán viên có kinh nghiệm, bảo đảm đủ cơ cấu chuyên môn 3 lĩnh vực (thu, chi đầu tư, chi thường xuyên) và thực hiện luân chuyển địa bàn kiểm toán giữa các kiểm toán viên thì vấn đề quan trọng là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo đó, cần tăng cường đào tạo kiểm toán viên về đạo đức công vụ, chuẩn mực KTNN, sử dụng phần mềm Tabmis, phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Công tác đào tạo đội cần theo hướng gắn với thực tiễn, “cầm tay chỉ việc” - lãnh đạo KTNN khu vực VII nhấn mạnh.
Lãnh đạo các đơn vị KTNN khu vực, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đều cho rằng, cần phải thực hiện kiểm soát đầy đủ các nội dung theo Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán, tăng cường kiểm soát đột xuất để kịp thời khắc phục những tồn tại trong hoạt động kiểm toán; thực hiện kiểm soát hồ sơ kiểm toán của Đoàn kiểm toán xuyên suốt quá trình kiểm toán.
Hơn nữa, theo đề xuất của các KTNN khu vực, hằng năm, KTNN cần tổ chức Hội thảo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác kiểm toán BCQT NSĐP, qua đó để các đơn vị cùng nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán BCQT NSĐP.
Đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp cũng cho rằng, nên thường xuyên tổng kết kết quả thực hiện, trong đó thể hiện rõ các vấn đề làm được, các vấn đề chưa làm được và phân tích nguyên nhân để đúc kết, rút kinh nghiệm triển khai trong toàn Ngành./.