Hỗ trợ phục hồi nền kinh tế
Tại các hội nghị kết nối ngân hàng - DN, các đại biểu đã được nghe báo cáo hoạt động đầu tư tín dụng của ngành ngân hàng trên địa bàn, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đề ra giải pháp đẩy mạnh cho vay đối với DN, cá nhân nhằm giúp các đối tượng khách hàng tận dụng tối đa cơ hội, lợi thế để phục hồi, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phần lớn thời gian của các hội nghị này được dành để đối thoại về những vấn đề mà DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh quan tâm với nhiều đề xuất, kiến nghị từ phía các DN. Đơn cử, tại Bắc Giang, Hội nghị có 9 ý kiến phát biểu trực tiếp cùng với 34 đề xuất, kiến nghị của các DN, hợp tác xã. Hội nghị tại Hà Tĩnh cũng ghi nhận hơn 30 ý kiến. Hay tại Hội nghị ở Bến Tre, các DN, hợp tác xã đã nêu 11 ý kiến.
Điểm chung của các ý kiến, đề xuất là đều liên quan đến lãi suất cho vay; quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời hạn cho vay; điều kiện cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với hợp tác xã; cơ chế chính sách cho DN bất động sản; tạo điều kiện để vay vốn với lãi suất ưu đãi… Những kiến nghị này đã được lãnh đạo NHNN chi nhánh các tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn giải đáp trực tiếp tại hội nghị.
Điều đáng nói là không ít hội nghị kết nối ngân hàng - DN đã sớm mang lại tin vui cho DN. Điển hình là thông qua Hội nghị kết nối ngân hàng - DN tại TP. Hồ Chí Minh, 16 ngân hàng thương mại đã ký kết cho 64 khách hàng là các DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố vay vốn với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng, mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung thị trường.
Trong Công văn số 953/NHNN-TD, Thống đốc NHNN yêu cầu NHNN các chi nhánh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và hiệp hội có liên quan tại địa phương rà soát tình hình tiếp cận vốn vay của các DN; nắm rõ thông tin về các DN không tiếp cận được vốn vay ở ngân hàng nào và nguyên nhân không tiếp cận được. Các nội dung này phải được làm rõ tại Hội nghị kết nối ngân hàng - DN của địa phương.
Các hội nghị kết nối ngân hàng - DN được tổ chức ngay từ đầu năm có ý nghĩa quan trọng trong việc khơi thông dòng vốn cho DN, hỗ trợ phục hồi và góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách tiền tệ và các ngân hàng đang nỗ lực để thực hiện chỉ đạo của NHNN. Trước đó, NHNN đã có Công văn số 953/NHNN-TD yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - DN tại các địa phương; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2023 theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN.
Hóa giải vướng mắc về vay vốn ngân hàng
Thực tế cho thấy, thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng vẫn là vấn đề nan giải của nhiều DN. Theo ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 46% DN ngành này đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là thiếu vốn, thiếu dòng tiền nhưng DN vẫn phải duy trì các khoản trả nợ lãi vay cùng các khoản khác để vận hành hoạt động ở mức tối thiểu. Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện các DN đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% khó thực hiện vì một số DN lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh tra, kiểm tra.
Bởi vậy, các hội nghị kết nối ngân hàng - DN là dịp để ngành ngân hàng nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các TCTD, trên cơ sở đó kịp thời có phương án xử lý, tháo gỡ. Để hóa giải bài toán khó trong tiếp cận nguồn vốn từ các TCTD, một trong những vấn đề tiếp tục được đặt ra tại các hội nghị này là đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa ngân hàng và DN.
Theo đó, về phía ngân hàng, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp DN, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, Giám đốc NHNN các tỉnh đều chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tăng cường tuyên truyền những chương trình tín dụng; tiếp tục rà soát, làm việc trực tiếp để giải đáp, tháo gỡ các kiến nghị của khách hàng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, giám sát, phối hợp với các sở, ngành, địa phương kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Cùng với đó, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các TCTD chấp hành nghiêm túc quy định về lãi suất; đẩy mạnh huy động vốn; hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, dự án, phương án vay vốn khả thi. Đặc biệt, việc tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi thủ tục vay vốn, tăng cường công khai, minh bạch các điều kiện cho vay, lãi suất cho vay, đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục vay vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, bản thân các DN cũng cần minh bạch hơn trong hoạt động và nên cập nhật thông tin để có sự cân nhắc, lựa chọn ngân hàng phù hợp. Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông - ông Nguyễn Đình Tùng - gợi ý: Nhiều DN vay lâu dài ở một tổ chức dễ có cảm giác bị yếu thế hơn, nhưng nếu cập nhật thông tin và mở rộng giao tiếp với nhiều ngân hàng khác thì đây sẽ là cơ hội giúp DN đủ thông tin hơn để thương thảo với các ngân hàng. Ngân hàng nào có lãi suất và điều kiện phù hợp thì DN có thể lựa chọn để vay vốn.
Như vậy, việc ngân hàng và DN cùng thống nhất, tuân thủ pháp luật, minh bạch trong hoạt động và tài chính sẽ giúp hai bên tìm được đến nhau, hóa giải nhiều vướng mắc hiện nay. Đây cũng là giải pháp giúp Chương trình kết nối ngân hàng - DN mang lại hiệu quả thiết thực hơn./.