Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương sửa Thông tư 06

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, hoàn thành trong ngày 25/8/2023 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng.

1.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Văn bản số 756/TTg-KTTH đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Văn bản nêu rõ: Tại Thông báo số 138/TB-VPCP ngày 18/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật có liên quan, thẩm quyền quy định và tình hình thực tế, khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 (Thông tư 06), hoàn thành trước ngày 21/8/2023.

Tại Văn bản số 115/TTg-KTTH ngày 22/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện chỉ đạo tại Thông báo số 138/TB-VPCP ngày 18/8/2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 24/8/2023.

Xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Tờ trình số 120/TTr-NHNN ngày 22/8/2023 về việc thực hiện chỉ đạo tại Thông báo số 138/TB-VPCP ngày 18/8/2023, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt, kịp thời, tích cực trong điều hành, có các giải pháp đúng và trúng để tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, quan tâm chỉ đạo ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội theo đúng quy định tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 07/8/2023 của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; đề cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật hành chính, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề thuộc thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cần phải phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn nữa với tinh thần cầu thị, lắng nghe và cần có giải pháp cụ thể đối với những vấn đề vướng mắc, bất cập được các địa phương, báo chí, dư luận, người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại quan tâm, phản ánh, đề xuất.

Hoàn thành việc sửa đổi Thông tư 06 vào ngày 25/8

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại cuộc họp ngày 17/8/2023 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì, đại diện các Hiệp hội, trong đó có hiệp hội bất động sản, các đại diện doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định có liên quan tại Thông tư 06, trong đó có nêu các vướng mắc doanh nghiệp kiến nghị tại các khoản 8, 9, 10 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) và các điều, khoản có liên quan.

Căn cứ các quy định pháp luật, việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư 06 thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định. Chính phủ đã thống nhất chủ trương và yêu cầu phải có biện pháp cụ thể để bảo đảm các nhu cầu vốn tín dụng hợp pháp, chính đáng, đáp ứng đủ điều kiện theo đúng quy định pháp luật cần phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận vay vốn tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng, các nội dung liên quan được báo chí, dư luận và người dân, doanh nghiệp quan tâm, phản ánh như nêu trên. Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật có liên quan, thẩm quyền quy định và tình hình thực tế để tiếp thu, khẩn trương, nhanh chóng rà soát sửa đổi, bổ sung ngay các quy định tại Thông tư 06 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, người dân, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về nội dung này như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Tờ trình số 120/TTr-NHNN ngày 22/8/2023, nhằm nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phải hoàn thành trong ngày 25/8/2023. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để tránh các vi phạm, tiêu cực có thể xảy ra.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Cùng chuyên mục
  • Tiếp tục tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp (DN) vẫn đang rất hạn chế. Giải quyết vấn đề này sao cho hiệu quả là một thách thức lớn của ngành ngân hàng.
  • Đơn giản thủ tục trong quản lý kinh doanh ngân hàng
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN.
  • Rà soát 2 Thông tư của Ngân hàng Nhà nước
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp rà soát Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 (Thông tư 06) và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023 (Thông tư 03) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
  • Tín dụng chính sách hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Hơn 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 6,2 triệu lao động; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác…
  • Dòng vốn chảy chậm, nghịch lý “người dư thừa, kẻ túng thiếu”
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (TBTCO) - Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp và vòng quay tiền tệ trong nền kinh tế đang chậm lại cho thấy nguồn tiền cung ứng cho nền kinh tế rất thấp. Trong khi đó, thanh khoản của các ngân hàng lại vẫn dồi dào và đây là một nghịch lý đến từ sự phân hóa của 2 nhóm đối tượng. Một nhóm doanh nghiệp cần vốn kinh doanh nhưng khó tiếp cận do thiếu nhiều điều kiện cơ bản, trong khi đó, một nhóm dân chúng không nhìn thấy rõ các cơ hội đầu tư nên vẫn để tiền nằm yên bất động.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương sửa Thông tư 06