Tiếp tục tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

(BKTO) - Đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp (DN) vẫn đang rất hạn chế. Giải quyết vấn đề này sao cho hiệu quả là một thách thức lớn của ngành ngân hàng.

bmt_4181.jpg
NHNN liên tiếp tổ chức các hội thảo để tìm giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của DN. Ảnh: sbv.gov.vn

Ngành ngân hàng đã liên tiếp tổ chức các hội thảo để tìm giải pháp tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn cho DN.  Tại một hội thảo mới đây về chủ đề này, gợi lại bối cảnh hết sức khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Trước tình hình hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực DN là ưu tiên hàng đầu, trong đó, sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ”.

Nhiều chương trình tín dụng, giải pháp được triển khai…

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, DN, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - DN.

NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh triển khai một số chương trình như Chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho khách hàng, giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tài chính tiêu dùng cho công nhân với quy mô 20.000 tỷ đồng thông qua 2 công ty tài chính; hợp tác với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình cho vay với lãi suất thấp cho DN nhỏ và vừa...

bmt_4221.jpg
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang, ngành ngân hàng đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực. Ảnh:sbv.gov.vn

Ngành ngân hàng cũng đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS); triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ngày 16/6/2023, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký Hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia Chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng, đến nay, đã giải ngân 20,5 tỷ đồng. Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 1 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý III. Bên cạnh đó, các NHTM đang tiếp cận khoảng 16 dự án (Agribank 11 dự án, BIDV 5 dự án).

NHNN đã chỉ đạo các NHTM triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỷ đồng) từ nguồn lực của chính NHTM với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của ngân hàng cho vay.

Để tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, NHNN đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.

Đến cuối tháng 7/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 96.000 tỷ đồng, với gần 97.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

tttx.jpg
DN thủy sản được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Ảnh minh họa

Ngoài ra, NHNN đã kịp thời tổ chức các hội nghị chuyên đề tín dụng, các buổi làm việc với các cơ quan liên quan nhằm nhận diện các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đối với một số ngành, lĩnh vực như DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, BĐS, kinh doanh xăng dầu, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, lâm sản...

… Nhưng doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ vốn

Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để góp phần nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho DN nhưng tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). “Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của DN đang rất hạn chế. Giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành ngân hàng” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt vấn đề.

Để giải quyết vấn đề trên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN sẽ tiếp tục cân nhắc hạ lãi suất nhưng câu chuyện lúc này không hẳn là hạ lãi suất điều hành mà hạ lãi suất từ các NHTM. Các NHTM cần phải thể hiện nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính; đồng thời tiếp tục giảm các loại phí.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần cắt giảm thủ tục tiếp cận tín dụng, kích thích các DN vay vốn. “Ở thời điểm này, ngân hàng phải chia sẻ với DN. Tuy nhiên, NHTM cũng là một DN, huy động tiền của người dân để cho vay, vì vậy, phải đảm bảo thanh khoản” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm: Tùy vào điều kiện thực tế, chính sách cơ cấu, giãn, hoãn nợ cho DN sẽ có điều chỉnh phù hợp. Ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận vốn cũng là vấn đề đang được triển khai. Cùng với đó, ngành ngân hàng tích cực đối thoại với DN, trao đổi với chính quyền địa phương, các Bộ, ngành để tìm giải pháp hỗ trợ DN tốt hơn.

Để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - kiến nghị: Cần tiếp tục hạ lãi suất để DN dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn vay; hỗ trợ việc cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng.

Ngoài ra, theo bà Thảo, cần phục hồi các kênh huy động vốn khác như chứng khoán, trái phiếu DN. Bên cạnh đó, hạ thấp các điều kiện để DN tiếp cận được vốn từ Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa; triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế…/.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp