Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết, năm 2023 khép lại với nhiều biến động, cơ hội đan xen thách thức, khó khăn, đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam. Những khó khăn trong việc phát triển thị trường, sức mua giảm, giá nguyên vật liệu, giá dịch vụ logistic… tăng cao dẫn đến sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa của DN giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN nhằm bắt kịp với xu thế mới” – TS. Tô Hoài Nam nói.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn được tổ chức nhằm chia sẻ những kiến thức, bài học kinh nghiệm và giải pháp, giúp cộng đồng DN có thêm những kiến thức về quản trị DN, chuyển đổi số trong chiến lược phát triển DN bền vững.
Chuyên gia Nguyễn Thanh Khiết - Chủ tịch Hãng kiểm toán ASCO, Viện Quản lý Đúng nhận định, năm 2024, kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, vai trò của quản lý DN ngày càng trở nên quan trọng. “Quản lý đúng tạo văn hóa đúng, quản lý đúng sẽ biến các nguồn lực thành giá trị” – ông Nguyễn Thanh Khiết nói.
Giới thiệu về hệ thống quản lý tích hợp, ông Nguyễn Thanh Khiết cho rằng, DN cần nắm chắc và thực hiện bánh xe quản lý với 3 yếu tố: Nhiệm vụ, nguyên tắc và công cụ quản lý.
Nhiệm vụ quản lý hiệu quả bao gồm 5 nội dung: Đặt ra mục tiêu; tổ chức; ra quyết định; đánh giá - đo lường - kiểm soát; phát triển.
Nguyên tắc quản lý hiệu quả gồm 6 nội dung. Trong đó, có 2 nguyên tắc quan trọng nhất mà DN cần lưu ý là: Tập trung vào kết quả và tập trung vào điểm mạnh.
7 công cụ quản lý hiệu quả bao gồm: Các cuộc họp; báo cáo giao tiếp bằng văn bản; sắp xếp việc kiểm sát việc đã giao; phương pháp làm việc cá nhân; ngân sách và hoạch định ngân sách; đánh giá hiệu suất; “xả thải” có hệ thống.
Theo ông Nguyễn Thanh Khiết, bánh xe quản lý này là cơ sở để DN tiếp cận mô hình quản lý có hiệu quả hơn. Nếu vận hành tốt hệ thống quản lý, DN sẽ biết mình đang ở đâu, từ đó sẽ đi đúng hướng, vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội và hoạt động hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề chiến lược, GS.TS Hoàng Văn Hải - Cố vấn cấp cao Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, mỗi DN cần có chiến lược của riêng mình. Đó là khát vọng được chia sẻ rộng rãi với mục tiêu rõ ràng.
Theo chuyên gia, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động hiện nay, DN cần phải đổi mới hoàn toàn cách thức xây dựng và thực thi chiến lược.
Các DN nhỏ và vừa, cần chú trọng đến 2 yếu tố: Giải pháp chiến lược và mục tiêu chiến lược. “Giải pháp chiến lược là con đường và cách thức để đạt được mục tiêu chiến lược” - ông Hoàng Văn Hải nhấn mạnh.
Mỗi DN cần giải quyết vấn đề của khách hàng, tìm hiểu giải pháp đã có sẵn trên thị trường và phải tìm giải pháp riêng cho DN. Điểm mấu chốt trong việc thiết lập bản đồ chiến lược của mỗi DN chính là phải tìm được đúng bản chất vấn đề của khách hàng.
Chiến lược đúng là phải tạo ra sự khác biệt trong giải quyết vấn đề của khách hàng, đem lại giá trị tốt nhất cho khách hàng. Trong môi trường biến động không ngừng do tác động của các yếu tố phức hợp thì hành động nhanh, chính xác phải là ưu tiên số 1.
GS.TS Hoàng Văn Hải
Chia sẻ về giải pháp bán hàng đa kênh trên nền tảng số, chuyên gia Phương Thị Minh Thu – Giám đốc điều hành Văn phòng Hà Nội, PMAX cho biết, bán hàng đa kênh trên nền tảng số đang đứng trước nhiều thời cơ mới.
Theo một báo cáo khảo sát hành vi tìm hiểu - mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam vào tháng 11/2023 cho thấy, 49% người tiêu dùng Việt Nam tìm hiểu về sản phẩm qua các kênh trực tuyến và mua hàng tại cửa hàng bán lẻ. 47% người tiêu dùng sẽ tìm và mua sản phẩm trực tuyến. 28% người tiêu dùng sẽ đến cửa hàng để kiểm giá và mua hàng thông qua website.
Thay vì phụ thuộc vào một kênh mua sắm duy nhất, người tiêu dùng đang có nhiều lựa chọn về địa điểm và cách thức mua sắm hơn, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Các kênh xã hội tiếp tục phát triển và là một trong những hành vi sử dụng thường ngày của người tiêu dùng.
Để khơi nguồn tăng trưởng cho việc bán hàng đa kênh trên nền tảng số, bà Minh Thu cho rằng, mỗi DN cần có sự thông suốt từ chiến lược tới thực thi, đảm bảo tính thống nhất với chiến lược kinh doanh.
DN cũng cần phải quản lý chiến dịch bán hàng theo mùa trong năm. Đồng thời, không ngừng mang lại trải nghiệm mua sắm mới cho người tiêu dùng và tối đa hóa tác động của từng chiến dịch.
Bên cạnh đó, các DN cũng cần phải phát triển những ấn phẩm sáng tạo (content marketing) phù hợp; Tích hợp quản lý dữ liệu để tối ưu hóa quảng cáo và chuyển đổi…/.