Tích hợp ESG và kiểm soát nội bộ trong các tổ chức

TS. TRẦN PHƯƠNG THÙY - Học viện Ngân hàng | 31/07/2024 09:45

(BKTO) - Các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) ngày càng trở thành trọng tâm đối với các doanh nghiệp và bên liên quan vì chúng thúc đẩy quá trình ra quyết định và đánh giá hiệu suất. Với tầm quan trọng ngày càng tăng của các vấn đề ESG, các tổ chức phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nội bộ mạnh mẽ để đảm bảo báo cáo chính xác và đáng tin cậy về số liệu ESG, quản lý rủi ro hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

1s.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: EY

Lợi ích và thách thức khi tích hợp ESG 

Khi ESG tích hợp với kiểm soát nội bộ mang lại những lợi ích cho tổ chức chính trong các hoạt động về quản trị rủi ro, hiệu quả hoạt động cũng như uy tín, thương hiệu của tổ chức. 

Tích hợp ESG giúp doanh nghiệp nhận diện và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị từ đó giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững hơn và tạo ra giá trị dài hạn cho các bên liên quan. Việc tích hợp ESG vào quản trị rủi ro sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức và cơ hội trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp.

 Kiểm soát nội bộ kết hợp với ESG giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn và tạo niềm tin cho cổ đông, khách hàng. Doanh nghiệp chú trọng ESG thường được đánh giá cao về uy tín và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh lợi ích, thách thức trong tích hợp ESG và kiểm soát nội bộ cũng là một vấn đề nan giải. Nhiều doanh nghiệp chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để thực hiện việc tích hợp ESG vào kiểm soát nội bộ. Việc triển khai các quy trình mới liên quan đến ESG có thể đòi hỏi nguồn lực tài chính đáng kể. Ngoài ra, việc đánh giá hiệu quả của các tiêu chí ESG đôi khi gặp khó khăn do thiếu tiêu chuẩn đo lường cụ thể.

Chính sách và quy trình toàn diện để tích hợp ESG vào kiểm soát nội bộ

Khi tích hợp ESG và kiểm soát nội bộ cần có các bước và lộ trình cụ thể: Xác định các tiêu chí ESG phù hợp với ngành nghề và hoạt động kinh doanh của mình;  Thiết lập chính sách và quy trình kiểm soát nội bộ nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG đã đề ra;  Đào tạo và nâng cao nhận thức của nhân viên về tầm quan trọng của ESG và cách thức thực hiện kiểm soát nội bộ liên quan đến ESG; Thường xuyên giám sát, đánh giá và cải tiến các quy trình kiểm soát nội bộ để đảm bảo hiệu quả của việc tích hợp ESG.

Tích hợp ESG trong kiểm soát nội bộ của tổ chức đòi hỏi các tổ chức phải có một bộ chính sách và quy trình toàn diện để điều chỉnh các nhân tố cấu thành kiểm soát nội bộ của tổ chức theo các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị.

Thứ nhất về tích hợp ESG và môi trường kiểm soát của tổ chức.

Việc thiết lập môi trường kiểm soát tích hợp với ESG liên quan đến việc phát triển các biện pháp kiểm soát nội bộ cụ thể giúp tuân thủ các yêu cầu báo cáo và hướng dẫn theo quy định. Một số khía cạnh quan trọng của quản lý chính sách và quy trình bao gồm:

Phát triển chính sách: Tổ chức cần tạo ra các chính sách ESG phản ánh chính xác các mục tiêu và mục đích của tổ chức, xem xét các luật liên quan và thông lệ tốt nhất của ngành.

Thực hiện quy trình: Thiết lập các quy trình được ghi chép để thực hiện và báo cáo các hoạt động ESG một cách nhất quán, cho phép quản lý dữ liệu một cách minh bạch và có tổ chức.

Cập nhật thường xuyên: Thực hiện đánh giá và cập nhật định kỳ các chính sách và quy trình ESG để đảm bảo liên tục phù hợp với các tiêu chuẩn đang thay đổi, mục tiêu của tổ chức và kỳ vọng của các bên liên quan.

Thứ hai, tích hợp ESG vào quy trình đánh giá rủi ro của tổ chức.

ESG bao gồm việc xác định, đánh giá và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các yếu tố ESG. Bằng cách tích hợp các rủi ro ESG vào chiến lược quản lý rủi ro tổng thể của tổ chức, các tổ chức có thể giải quyết tốt hơn các rủi ro hoạt động và tài chính tiềm ẩn và tăng cường tính bền vững lâu dài của họ. Cụ thể:

Xác định rủi ro ESG: Nhận diện các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến môi trường (như biến đổi khí hậu, ô nhiễm) có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm hỏng cơ sở hạ tầng hoặc dẫn đến những nỗ lực khắc phục tốn kém; hoặc quy định về môi trường có thể phải chịu chi phí hoạt động tăng hoặc có khả năng bị các nhà đầu tư thoái vốn; rủi ro về xã hội (như điều kiện làm việc, quan hệ cộng đồng) khi các công ty không thực hiện tốt trách nhiệm xã hội có thể phải chịu áp lực ngày càng tăng từ người tiêu dùng hoặc có nguy cơ bị tẩy chay, ảnh hưởng đến doanh thu và giá trị thương hiệu; rủi ro về quản trị (như đạo đức kinh doanh, minh bạch tài chính, hay các vấn đề về uy tín, danh tiếng tổ chức)

Đánh giá tác động: Đánh giá mức độ tác động của các rủi ro ESG lên hoạt động kinh doanh và mục tiêu của doanh nghiệp.

Thiết lập biện pháp kiểm soát: Xây dựng các biện pháp kiểm soát để giảm thiểu và quản lý các rủi ro ESG đã xác định.

Giám sát và báo cáo: Thường xuyên giám sát hiệu quả của các biện pháp kiểm soát, xem xét hiệu quả của các chiến lược giảm thiểu rủi ro và báo cáo về tình hình quản lý rủi ro ESG.

Thứ ba, tích hợp ESG và hệ thống thông tin và trao đổi thông tin.

Để tích hợp ESG vào hệ thống thông tin và trao đổi thông tin tổ chức cần thực hiện các bước: Xác định thông tin ESG quan trọng và các loại thông tin cần thu thập, xử lý và truyền đạt liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị;  Thiết lập các chỉ số đo lường hiệu quả ESG (KPIs) phù hợp với ngành và mục tiêu kinh doanh;  Thiết lập hệ thống thu thập và xử lý thông tin: Xây dựng quy trình thu thập dữ liệu ESG từ các bộ phận liên quan và tích hợp vào hệ thống thông tin nội bộ; Sử dụng công nghệ để tự động hóa việc thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu ESG, giúp giảm thiểu sai sót và tăng cường hiệu quả;

Đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin: Thiết lập các cơ chế kiểm soát nội bộ để đảm bảo thông tin ESG được thu thập và báo cáo chính xác; Đào tạo nhân viên về tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin chính xác và cách thức thực hiện;  Truyền đạt thông tin ESG hiệu quả: Tạo kênh giao tiếp nội bộ và ngoại bộ để chia sẻ thông tin về các hoạt động và kết quả ESG; Sử dụng báo cáo ESG định kỳ để cung cấp thông tin chi tiết và minh bạch về các hoạt động ESG của doanh nghiệp.

Thứ tư, tích hợp ESG và các hoạt động kiểm soát và giám sát các kiểm soát.

Để tích hợp ESG vào hoạt động kiểm soát và giám sát các kiểm soát của tổ chức cần chú ý thực hiện các bước:  Xác định các chỉ số giám sát ESG: Thiết lập các chỉ số đo lường hiệu quả ESG (KPIs) liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị; Định kỳ thu thập và phân tích dữ liệu để đánh giá hiệu quả của các biện pháp kiểm soát ESG;  Thiết lập hệ thống giám sát tự động hoặc bán tự động để thu thập và phân tích dữ liệu liên quan đến ESG; Sử dụng công nghệ để theo dõi và báo cáo về các hoạt động ESG, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả

Đào tạo và nâng cao nhận thức nhân viên về tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát và giám sát kiểm soát ESG cũng như cách thức thực hiện; Tạo môi trường làm việc đề cao trách nhiệm xã hội và bền vững; Thực hiện kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để đảm bảo các biện pháp kiểm soát ESG được thực hiện đúng cách; Đánh giá hiệu quả của các biện pháp kiểm soát và đưa ra các điều chỉnh cần thiết;

Báo cáo và cải tiến liên tục kết quả giám sát kiểm soát ESG định kỳ cho ban lãnh đạo và các bên liên quan; Liên tục cải tiến các biện pháp kiểm soát dựa trên kết quả giám sát và phản hồi từ các bên liên quan.

Tích hợp ESG vào giám sát các kiểm soát trong kiểm soát nội bộ không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững hơn mà còn tạo ra giá trị dài hạn cho cổ đông và cộng đồng. Điều này đòi hỏi sự cam kết từ ban lãnh đạo, đầu tư về nguồn lực và xây dựng hệ thống đo lường, đánh giá hiệu quả. Việc thực hiện sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức và cơ hội trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp.

ESG là một khái niệm trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh, thường được sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành.

Để thực hiện ESG, doanh nghiệp cần đáp ứng 3 trọng tâm chính: Môi trường (Environmental) với những vấn đề về biến đổi khí hậu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên tiêu thụ, xử lý và tái chế chất thải;

Xã hội (Social) bao gồm Quyền riêng tư và bảo mật, Tính đa dạng, công bằng và hòa nhập, Môi trường, điều kiện làm việc an toàn, Ứng xử đạo đức và trách nhiệm xã hội;

Quản trị doanh nghiệp (Governance) bao gồm: Trách nhiệm của ban lãnh đạo, Phân phối quyền lực và đội ngũ quản lý, Chính sách quản lý và hành vi kinh doanh.

Tài liệu tham khảo

1. Utz, S (2019), Corporate scandals and the reliability of ESG assessments: Evidence from an international sample.

2. Bộ tài chính (2012), Chuẩn mực kiểm toán số 315: Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị.

3. https://esgresearch.pro/esg-audits-and-internal-controls/

4. https://www.mckinsey.com/indus... insights/sustainability-in-packaging-five-key-levers-for-significant-impact

Cùng chuyên mục
Tích hợp ESG và kiểm soát nội bộ trong các tổ chức