Dự Tọa đàm có: Phó Bí thư Đảng ủy Văn phòng Trung ương Đảng Hoàng Anh Tuấn; PGS,TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban cán sự, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung; Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương Bùi Hoàng Tùng.
Cùng dự Tọa đàm có: Bí thư Đoàn Thanh niên Văn phòng Trung ương Đảng Trần Tuấn Anh; Bí thư Đoàn Thanh niên Ban Kinh tế Trung ương Trần Thị Huyền Trang, Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Đào Anh Tuấn, Bí thư Đoàn Thanh niên KTNN Lê Mạnh Cường; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN, đại diện Ban Chấp hành Công đoàn KTNN cùng gần 700 đoàn viên Văn phòng Trung ương Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và KTNN.
Tọa đàm đã được nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, ý kiến phát biểu của PGS, TS Hoàng Phúc Lâm – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tạo diễn đàn mở để lan tỏa việc học tập, làm theo gương Bác trong đoàn viên, thanh niên
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bí thư Đoàn Thanh niên KTNN Lê Mạnh Cường cho rằng, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với từng đảng viên, cũng như từng đoàn viên thanh niên.
Cuộc đời, sự nghiệp và những thành tựu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tổng hòa của những giá trị tư tưởng, năng lực, phẩm chất đặc biệt mà mỗi khi nhìn vào, soi chiếu trong những bối cảnh lịch sử khác nhau đều rút ra được những chiêm nghiệm, bài học quý giá.
Tọa đàm sẽ là một diễn đàn cởi mở, sôi nổi, giàu giá trị thông tin, đem lại những giá trị thiết thực về mặt nhận thức, tư duy và định hướng đối với toàn thể các đoàn viên, thanh niên của 03 cơ quan trong quá trình phấn đấu, rèn luyện và cống hiến tại cơ quan, đơn vị, tổ chức theo đúng tinh thần về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Ban Bí thư và Bộ Chính trị.
Tại Tọa đàm, diễn giả khách mời là ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Công ty Cổ phần Sách Alpha Books đã chia sẻ những góc nhìn mới về hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân mà còn để lại cho các thế hệ sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng, là đạo đức, là phong cách Hồ Chí Minh.
"Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác vô cùng lớn lao, vĩ đại. Học Bác, chúng ta có thể học từ những điều nhỏ nhất để mang lại sự thay đổi cho bản thân mình" - diễn giả Nguyễn Cảnh Bình cho biết.
Theo diễn giả, chọn cho riêng mình con đường trải nghiệm thực tế ở các quốc gia trên thế giới, với 30 năm bôn ba ở nước ngoài (1911-1941), Bác Hồ đã từng in dấu trên 3 đại dương, 4 châu lục (Âu, Á, Phi, Mỹ) và khoảng 30 quốc gia. Bác đã tiếp xúc nhiều nền văn hóa, chính trị và đã dần hiểu rõ thực chất của nền văn minh tư sản, nền dân chủ tư sản dưới các hình thức khác nhau, từ đó suy nghĩ về còn đường giải phóng dân tộc mình.
“Chúng ta cần học sự khác biệt trong cách tiếp cận của Bác để thấy được những giá trị và ý nghĩa lớn lao trên hành trình tìm đường giải phóng dân tộc của Bác, từ đó mỗi đoàn viên, thanh niên có thể rút ra bài học vận dụng cho riêng mình” – diễn ra Nguyễn Cảnh Bình cho biết; và nhấn mạnh, muốn làm tốt điều này, đòi hòi từng đoàn viên, thanh niên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ để tạo sự khác biệt, đổi mới trong suy nghĩ.
Nhân rộng các mô hình, hoạt động học tập, làm theo gương Bác
Cùng với trao đổi của diễn giả, Tọa đàm đã được nghe chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc học tập, làm theo gương Bác của đại diện các tổ chức đoàn, đoàn viên, thanh niên các đơn vị.
Trong tham luận về bài học sử dụng cán bộ, TS. Nguyễn Thị Thu Huyền - Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến cơ chế tạo động lực trong công tác. Theo đó, cơ chế tạo động lực (chính sách đãi ngộ) có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ trẻ nói riêng.
Đó là đòn bẩy, là động lực trực tiếp đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong bất kì cơ quan, tổ chức, đơn vị nào. Do đó, tổ chức đoàn cần có sự quan tâm chăm lo nhiều hơn nữa, xứng đáng hơn nữa về lợi ích vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ của mình. Sự quan tâm ấy phải được thể hiện trong chế độ tiền lương, phụ cấp nghề nghiệp, khen thưởng, phương tiện làm việc, nhà ở… có như vậy mới tạo ra được sự thống nhất hài hòa giữa các yếu tố say mê lý tưởng, say mê nghề nghiệp, đảm bảo lợi ích trong mỗi cán bộ, để động viên khuyến khích họ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Huyền, đãi ngộ công bằng và xứng đáng là điều kiện quan trọng để thúc đẩy hiệu suất làm việc và sự gắn bó với đơn vị của người lao động. Khi tổ chức đánh giá, nhận xét để thực hiện chính sách đối với cán bộ cần phải khách quan, đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch để cán bộ hiểu rằng những lợi ích mà họ nhận được từ chính sách là xứng đáng và được tôn trọng. Bên cạnh đó, việc khen thưởng kịp thời và thích đáng những cán bộ có thành tích cao trong công tác, đặc biệt là xây dựng quỹ dành cho những sáng kiến trong công tác chuyên môn của cán bộ với mức thưởng xứng đáng với những giá trị mà sáng kiến của họ đem lại cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo động lực cho cán bộ hăng say công tác và cống hiến.
“Từ cách dùng người và những bài học về quan điểm dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho thấy đây luôn là vấn đề mấu chốt, hệ trọng của sự nghiệp cách mạng. Dùng người tài phải có cái nhìn trọng thị, hiệu quả, miễn không đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đây cũng là vấn đề cốt yếu của việc lựa chọn đội ngũ cán bộ đủ tài, đủ đức, sẵn sàng ra sức cống hiến cho dân, cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam” – TS. Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh.
“Chúng ta hãy tự tin vào trí tuệ của mình, theo gương Bác, chúng ta hoàn toàn có thể chinh phục được mục tiêu chúng ta đặt ra, theo một lối nghĩ riêng, khác biệt”
- Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương Bùi Hoàng Tùng -
Phát biểu tại Tọa đàm, Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương Bùi Hoàng Tùng đã đánh giá cao việc tổ chức Tọa đàm; đồng thời khẳng định ý nghĩa của chương trình cần được lan tỏa rộng rãi trong Đoàn Khối các cơ quan Trung ương.
Theo đồng chí Bùi Hoàng Tùng, vấn đề học tập, làm theo tấm gương đã được trao đổi sâu rộng tại nhiều diễn đàn thời gian qua. "Một vấn đề không mới nhưng qua cách làm của Đoàn Thanh niên 3 cơ quan, việc học tập, làm theo gương Bác trở nên hấp dẫn và thiết thực hơn” - đồng chí Bùi Hoàng Tùng đánh giá.
Lưu ý việc học tập và làm theo gương Bác cần trở thành việc làm thường xuyên, liên tục gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng đoàn viên, thanh niên; đồng chí Bùi Hoàng Tùng cũng đề nghị các tổ chức Đoàn trực thuộc tiếp tục nghiên cứu, tạo thêm nhiều hoạt động bổ ích để các đoàn viên, thanh niên có thêm cơ hội giao lưu, chia sẻ cũng như đề xuất sáng kiến, cách làm hay trong thực hiện nhiệm vụ công tác và các hoạt động này cần được tổ chức thường xuyên hơn.
“Tinh thần đổi mới, sáng tạo cần không ngừng được phát huy, từ tổ chức đoàn đến từng đoàn viên, thanh niên” - đồng chí Bùi Hoàng Tùng nhấn mạnh; đồng thời đề nghị đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần khởi nghiệp, gắn với đổi mới, sáng tạo theo đúng phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.