Hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận lợi ích của nền kinh tế toàn cầu
Toàn cầu hóa, bao gồm việc mở rộng thương mại đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Nhưng số lượng người được hưởng lợi không nhiều và những thách thức lớn vẫn còn tồn tại. Vì vậy, UNCTAD hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận các lợi ích của nền kinh tế toàn cầu hóa một cách công bằng và hiệu quả hơn. Hiện nay, UNCTAD là tổ chức kinh tế thương mại lớn nhất thuộc hệ thống Liên hợp quốc, phục vụ 195 nước thành viên của Liên hợp quốc; một bộ phận của Ban Thư ký Liên hợp quốc, báo cáo trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Kinh tế và Xã hội nhưng có thành viên, ban lãnh đạo và ngân sách riêng. Đồng thời, UNCTAD cũng là một phần của Nhóm Phát triển Liên hợp quốc cùng với các Ủy ban và cơ quan khác của Liên hợp quốc đo lường tiến độ công việc theo các mục tiêu phát triển bền vững được nêu trong Chương trình Nghị sự 2030.
UNCTAD cũng hỗ trợ thực hiện Chương trình Tài trợ vì sự phát triển, theo yêu cầu của cộng đồng toàn cầu trong Chương trình Nghị sự Addis Ababa 2015 cùng với 4 tổ chức liên quan khác, gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Mặc dù UNCTAD chủ yếu làm việc với các chính phủ, nhưng để giải quyết hiệu quả về mặt quy mô và mức độ phức tạp của việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, UNCTAD tin rằng quan hệ đối tác và hợp tác chặt chẽ hơn với khu vực tư và tổ chức xã hội dân sự là cần thiết.
Ngoài ra, UNCTAD giúp trang bị cho các nước đang phát triển để đối phó với những hạn chế tiềm ẩn của hội nhập kinh tế sâu rộng. Để thực hiện công việc này, UNCTAD cung cấp phân tích, tạo điều kiện xây dựng sự đồng thuận và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp các nước đang phát triển sử dụng thương mại, đầu tư, tài chính và công nghệ làm phương tiện để phát triển toàn diện và bền vững. Mục đích chung của UNCTAD là thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung và thương mại nói riêng của tất cả các nước thành viên, nhất là các nước đang phát triển. UNCTAD hướng vào những mục tiêu cụ thể là đảm bảo sự phát triển hài hoà về các mặt: Thương mại, vận tải, viện trợ, tài chính và kỹ thuật; trong đó việc phát triển thương mại là mục tiêu quan trọng, bởi ngay từ Nghị quyết 1707 Khóa họp thứ XVI của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhận định rằng, thương mại quốc tế là công cụ chủ yếu để phát triển kinh tế của các nước.
Đối với hoạt động ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, UNCTAD có nhiệm vụ chính là xây dựng các nỗ lực nhằm giúp các quốc gia hiểu rõ các lựa chọn để giải quyết các thách thức phát triển ở tầm vĩ mô; thực hiện hội nhập có lợi vào hệ thống thương mại quốc tế; đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa; hạn chế tiếp xúc với biến động tài chính và nợ; thu hút đầu tư và xây dựng hệ thống đầu tư theo hướng thân thiện với sự phát triển. Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận công nghệ số; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; giúp các doanh nghiệp trong nước tiến lên trong chuỗi giá trị; đẩy nhanh lưu chuyển hàng hóa qua biên giới; bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc bị lạm dụng; kiềm chế các quy định kìm hãm cạnh tranh; thích ứng với biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý nợ tại các nước đang phát triển
Hội nghị về Quản lý nợ của UNCTAD là một diễn đàn được tổ chức định kỳ hai năm một lần để chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi quan điểm giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế, giới học giả và xã hội dân sự về những diễn biến hiện nay trong tình hình nợ ở các nước đang phát triển và các vấn đề quản lý nợ trong bối cảnh kinh tế vĩ mô rộng lớn hiện nay. Hội nghị tập hợp các nhà quản lý nợ quốc gia cấp cao từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về một số chủ đề quan tâm nhất trong lĩnh vực này hiện nay. Khoảng 350 đại biểu từ hơn 100 quốc gia, cũng như đại diện cấp cao của quốc tế, khu vực và các tổ chức khác đã tham gia Hội nghị này được tổ chức vào tháng 11/2019.
Hội nghị năm nay diễn ra vào thời điểm quan trọng xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, từ những tác động liên tục của đại dịch Covid-19 đến cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt và biến đổi khí hậu. Hội nghị sẽ tìm hiểu tác động của những cuộc khủng hoảng này đối với tính bền vững của nợ ở các nước đang phát triển, nhằm đánh giá lại cách thức để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của công nghệ mới trong việc huy động các nguồn tài chính. Những vấn đề này sẽ được giải quyết thông qua góc nhìn về các giải pháp kinh tế vĩ mô có thể áp dụng cho từng quốc gia và cộng đồng quốc tế, cũng như thông qua các chính sách và thông lệ tốt trong quản lý nợ.
Theo kế hoạch, Đoàn đại biểu Kiểm toán nhà nước Việt Nam do Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dẫn đầu sẽ tham dự các phiên của Hội nghị trong ba ngày từ 05-07/12/2022 với các bài trình bày và thảo luận từ các đại diện nhiều kinh nghiệm trên thế giới. Dự kiến, ngày 06/12/2022, Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ có cuộc gặp xã giao với Tổng Thư ký của UNCTAD để trao đổi về khả năng hợp tác giữa Kiểm toán nhà nước Việt Nam và UNCTAD./.
UNCTAD là cơ quan liên chính phủ thường trực do Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1964. Trụ sở chính của UNCTAD được đặt tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ); đồng thời tổ chức này cũng có văn phòng tại New York (Mỹ) và Addis Ababa (Ethiopia).